Gần đây, việc một trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội tổ chức bài đánh giá năng lực tổng quát (gọi tắt là PSA) dành cho học sinh Tiểu học đã thu hút sự chú ý đáng kể từ dư luận. Dù không phải là lần đầu một trường học tại Việt Nam thực hiện điều này, sự kiện vẫn cho thấy một chuyển động đáng chú ý: giáo dục phổ thông đang dần chuyển từ việc đánh giá kiến thức thuần túy sang nhận diện tiềm năng phát triển của người học.
Chuyển dịch này không phải tình cờ. Nó phản ánh đúng tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, khi trọng tâm được đặt vào phát triển phẩm chất và năng lực, chứ không còn dừng ở việc “truyền đạt kiến thức”. Trên bình diện quốc tế, đây cũng là cách tiếp cận nhất quán với triết lý High Performance Learning (HPL) – một mô hình giáo dục quốc tế dựa trên niềm tin rằng mọi học sinh đều có thể trở thành người học xuất sắc, nếu được dạy đúng cách. HPL bắt đầu từ sự thừa nhận rằng tiềm năng là phổ quát, không phải đặc quyền của một nhóm nhỏ học sinh "bẩm sinh giỏi giang". Và muốn nuôi dưỡng được tiềm năng đó, điều đầu tiên là ta phải nhận diện được nó.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, gần đây, tôi đã có cơ hội chia sẻ điều này tại một hội thảo do Cambridge tổ chức dành cho lãnh đạo các trường trong khu vực Đông Nam Á, với trọng tâm là cách các trường có thể sử dụng đánh giá năng lực như một công cụ chuyên môn, không chỉ để tuyển sinh mà còn để thiết kế lộ trình học tập cá thể hóa. Tại đó, tôi trình bày về cách trường tôi đang vận dụng hệ thống đánh giá của CEM (nay là Cambridge Insight) – một đơn vị có hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các bài đánh giá năng lực cho học sinh từ mầm non đến trung học.
Trong bối cảnh hiện nay, khi cụm từ “đánh giá năng lực” sẽ ngày càng được nhắc đến nhiều như một xu hướng, điều quan trọng là cần trở lại với bản chất: Đánh giá năng lực là gì? Nó khác gì với bài kiểm tra kiến thức thông thường? Và vì sao cách hiểu đúng lại quan trọng – không chỉ với nhà trường hay giáo viên, mà còn với cả phụ huynh và học sinh?
Tiềm năng không phải là thành tích
Trong giáo dục, có một sự khác biệt căn bản nhưng dễ bị bỏ qua: thành tích và tiềm năng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thành tích là những gì học sinh đang thể hiện – như điểm số kiểm tra, xếp loại học lực. Tiềm năng lại là những gì các em có thể đạt được nếu được hướng dẫn và hỗ trợ đúng cách. Một học sinh điểm trung bình nhưng thể hiện tư duy linh hoạt, phản xạ nhanh trước tình huống mới có thể là một “viên ngọc thô”. Ngược lại, một học sinh có điểm cao nhưng chỉ dừng lại ở việc chăm chỉ học thuộc lòng chưa chắc đã có khả năng sáng tạo hay năng lực tự học cao. Đánh giá năng lực ra đời để giúp nhà trường và giáo viên tách bạch hai điều này.
Đánh giá năng lực: đo khả năng thích ứng, không phải học thuộc
Khác với các bài kiểm tra kiến thức truyền thống, một bài đánh giá năng lực đúng nghĩa không yêu cầu học sinh phải nhớ công thức hay khái niệm đã học trong sách giáo khoa. Thay vào đó, nó tập trung vào các năng lực tư duy nền tảng như khả năng suy luận logic, ngôn ngữ, tính toán, tư duy trừu tượng, đến nhận thức không gian và khả năng thích nghi với thử thách mới.
Một học sinh có thể chưa từng học về dạng toán cụ thể, nhưng nếu em biết lập luận để tìm hướng giải, điều đó cho thấy năng lực tiềm ẩn đang hoạt động. Đó mới là điều đánh giá năng lực muốn chạm tới: không phải “em biết gì”, mà là “em có thể làm gì khi gặp điều em chưa từng học”.
Kết quả đánh giá năng lực cũng không dừng lại ở “đúng/sai bao nhiêu câu”, mà được chuẩn hóa theo độ tuổi, đối chiếu với phổ năng lực rộng hơn. Điều này cho phép giáo viên và phụ huynh thấy rõ: học sinh này đang ở đâu so với nhóm đông cùng trang lứa? em mạnh ở kỹ năng nào và còn cần hỗ trợ ở đâu? Chính nhờ cách tiếp cận này, giáo viên và phụ huynh có thể hiểu sâu hơn về học sinh, thay vì chỉ nhìn vào điểm số của một bài kiểm tra đơn lẻ.
Khi đánh giá giúp “dạy đúng cách”
Lý thuyết “vùng tiềm năng phát triển” (Zone of Proximal Development – ZPD) của nhà tâm lý học Lev Vygotsky là một nền tảng quan trọng để hiểu vì sao đánh giá năng lực lại cần thiết. Theo Vygotsky, mỗi học sinh không chỉ có một “mức hiện tại” – tức là những gì các em làm được độc lập – mà còn có một “vùng gần phát triển”, nơi các em có thể vươn tới nếu được hỗ trợ đúng cách từ giáo viên, bạn bè hoặc người có kinh nghiệm hơn.
Đánh giá năng lực chính là công cụ để nhận diện vùng phát triển ấy. Từ đó, giáo viên có thể thiết kế phương pháp giảng dạy phù hợp: thách thức đủ cao để khơi mở tiềm năng, nhưng không quá khó để học sinh mất động lực.
Không phải cứ “gọi tên” là đúng bản chất
Tuy nhiên, thiết kế một bài đánh giá năng lực đúng nghĩa không hề đơn giản. Trên thực tế, có nơi gọi kỳ thi tổng hợp kiến thức là “đánh giá năng lực”, trong khi đề thi vẫn bám sát chương trình học, yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức và chấm điểm theo đáp án cố định.
Sự đánh đồng này không chỉ là sai thuật ngữ – nó còn dẫn đến những hệ quả đáng lo. Khi bản chất của đánh giá năng lực bị hiểu sai, không ít trung tâm luyện thi đã nhanh chóng tung ra “khóa luyện thi bài đánh giá năng lực” với mẹo làm bài, ôn luyện tủ với danh sách câu hỏi mẫu – biến bài đánh giá vốn được thiết kế để đo tư duy linh hoạt thành một cuộc chạy đua học thuộc và luyện kỹ năng làm bài. Hậu quả là giáo dục đi lệch hướng: học sinh bị đào tạo để đối phó, thay vì phát triển năng lực toàn diện.
Bên cạnh việc không gắn với chương trình học cụ thể, Một bài đánh giá năng lực đúng nghĩa phải đảm bảo độ tin cậy cao – tức là nếu năng lực học sinh không thay đổi, kết quả làm bài ở các thời điểm khác nhau vẫn ổn định. Đây là yêu cầu rất cao trong thiết kế công cụ đánh giá mà không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được. Chính vì lý do đó, nhiều bài đánh giá năng lực hiện nay được thiết kế theo hướng adaptive - tức là có khả năng tự điều chỉnh độ khó theo câu trả lời của học sinh. Nếu học sinh trả lời đúng, bài thi sẽ tăng dần độ phức tạp để tiếp cận ngưỡng cao nhất mà các em có thể đạt tới. Ngược lại, nếu học sinh trả lời sai, bài thi sẽ điều chỉnh mức độ cho phù hợp hơn, tránh gây cảm giác thất bại. Cơ chế này giúp bài thi không chỉ tiết kiệm thời gian, mà còn tiếp cận chính xác ngưỡng năng lực cao nhất của mỗi học sinh, điều mà các bài kiểm tra truyền thống cố định khó đạt được.
Để đạt được độ tin cậy cao, bài đánh giá năng lực cũng cần phải trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt trên một số lượng lớn học sinh ở nhiều khu vực khác nhau, nhằm xây dựng thang đo chuẩn hóa. Chỉ khi đó, kết quả mới có giá trị so sánh – không chỉ trong phạm vi một lớp học hay một trường, mà trên diện rộng hơn, như cấp vùng, quốc gia hoặc quốc tế. Ví dụ, hệ thống CEM (nay thuộc Cambridge Insight) được chuẩn hóa dựa trên hơn 650.000 lượt làm bài mỗi năm và hơn 43 triệu điểm dữ liệu tích lũy, cho phép xác định chính xác vị trí năng lực của học sinh trong phổ chung, ví dụ: “thuộc top 25% năng lực ngôn ngữ của học sinh toàn cầu” hoặc “cần hỗ trợ thêm về tư duy định lượng so với nhóm tuổi”.
Đánh giá để đồng hành, không phải để đóng khung
Điều quan trọng là: đánh giá năng lực không nên chỉ phục vụ mục đích tuyển sinh. Trái lại, giá trị lớn hơn của nó nằm ở việc theo dõi quá trình học tập. Khi đối chiếu giữa tiềm năng và thành tích thực tế, giáo viên có thể phát hiện khoảng cách – learning gap – và từ đó có chiến lược hỗ trợ cá nhân hóa hiệu quả hơn.
Một học sinh có năng lực tư duy logic cao nhưng điểm toán trung bình có thể đang bị dạy chưa đúng cách. Ngược lại, một em đạt điểm cao vượt kỳ vọng có thể cần được thử thách thêm để phát huy tiềm năng mới. Đó chính là vai trò của đánh giá năng lực: giúp người dạy hiểu sâu sắc hơn về người học – không phải để phân loại, mà để đồng hành phát triển.
Một hiểu lầm phổ biến nữa là cho rằng kết quả đánh giá năng lực là cố định và có thể “đóng khung” học sinh. Thực chất, đó chỉ là một ảnh chụp tạm thời về tiềm năng tại thời điểm làm bài – và tiềm năng ấy hoàn toàn có thể phát triển nếu được hỗ trợ đúng cách. Góc nhìn này giúp giáo viên nhận diện điểm cần bồi dưỡng để học sinh có thể cải thiện trong tương lai.
Kết
Đánh giá năng lực, nếu được hiểu đúng và làm đúng, là một công cụ nhân văn. Nó giúp giáo viên không chỉ dạy tốt hơn, mà còn dạy đúng hơn. Nó cho học sinh thấy rằng điểm số không định nghĩa con người mình – mà chỉ là bước khởi đầu để nhận ra mình có thể đi xa đến đâu.
Trong một nền giáo dục đang dịch chuyển từ áp đặt sang cá nhân hóa, từ điểm số sang năng lực, đánh giá năng lực không phải là “mốt” nhất thời. Nó là chìa khóa để mở cánh cửa phát triển toàn diện và công bằng cho mỗi đứa trẻ – miễn là chúng ta thực sự hiểu đúng về nó.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Tác giả: Nguyễn Quang Minh (Chuyên gia giáo dục quốc tế)
ĐỌC THÊM BÀI CÙNG TÁC GIẢ: