Tại Hội thảo toàn cầu của tổ chức giáo dục High Performance Learning (HPL)* nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, tôi được lắng nghe nhiều chuyên gia bàn luận về hai xu hướng nổi bật trong giáo dục hiện đại: evidence-based teaching (dạy học dựa trên bằng chứng nghiên cứu khoa học) và evidence-informed teaching (dạy học có cân nhắc bằng chứng trong bối cảnh cụ thể).
Cả hai đều dựa trên tinh thần sử dụng các kết quả nghiên cứu thực nghiệm để lựa chọn những chiến lược giảng dạy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng học tập và thu hẹp khoảng cách thành tích giữa các nhóm học sinh.
Trong dòng chảy lý luận ấy, tôi bất chợt nhớ đến một câu nói quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tư tưởng mà tôi cho rằng có thể soi chiếu mạnh mẽ vào chính thảo luận học thuật này:
“Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành.”
Câu nói ấy không chỉ là nền tảng của phương pháp luận cho một thời đại cách mạng, mà còn là kim chỉ nam sâu sắc cho giáo dục hiện đại - đặc biệt khi ta nhìn vào xu hướng giáo dục quốc tế tại Việt Nam, nơi giáo dục đang không ngừng chuyển mình giữa truyền thống và hiện đại, giữa tính địa phương và tính toàn cầu.
Tác giả bài viết -TS. Nguyễn Quang Minh - tại Hội thảo toàn cầu của tổ chức giáo dục High Performance Learning (HPL)* nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập
Giảng dạy không chỉ dựa vào lý thuyết
Evidence-based teaching là phương pháp giảng dạy dựa trên các bằng chứng khoa học được xây dựng từ những nghiên cứu quy mô lớn như phân tích tổng hợp (meta-analysis), thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, hoặc các khảo sát dài hạn. Những chiến lược được rút ra từ các nghiên cứu này thường được xem là các “điển hình thực hành tốt nhất” (best practices) và trở thành kim chỉ nam cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của cách tiếp cận này nằm ở tính chuẩn hóa cao, vốn dễ dẫn đến việc áp dụng một cách máy móc nếu giáo viên không chủ động điều chỉnh theo bối cảnh cụ thể của lớp học. Khi đó, những chiến lược dù đã được "chứng minh là hiệu quả" vẫn có thể trở nên gượng ép – bởi chúng không lường trước được sự khác biệt về văn hóa học đường (nơi học sinh có thể đề cao sự lắng nghe hơn là phản biện), đặc điểm tâm lý lứa tuổi, hay điều kiện dạy học thực tế tại Việt Nam - như sĩ số đông, trình độ không đồng đều và tài nguyên hỗ trợ hạn chế.
Chính vì những giới hạn đó, nhiều nhà giáo dục chuyển sang cách tiếp cận evidence-informed teaching - một hướng đi tuy vẫn đặt nền tảng trên nghiên cứu, nhưng đồng thời trao quyền chủ động cho giáo viên trong việc kết hợp giữa bằng chứng sư phạm với kinh nghiệm nghề nghiệp, hiểu biết về học sinh, đặc thù văn hóa – xã hội, và điều kiện thực tế của việc dạy.
Nếu evidence-based teaching là cách tiếp cận mà nghiên cứu sinh ra lý luận, rồi lý luận ấy được áp dụng trở lại vào thực tiễn, thì evidence-informed teaching lại mang đậm tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh: nơi lý luận không đứng trên thực tiễn, mà sinh ra từ thực tiễn, được tôi luyện trong thực tiễn, và quay lại dẫn dắt thực tiễn một cách linh hoạt và sống động.
Đừng để lý luận trở thành khẩu hiệu rỗng
Trong quá trình đổi mới và hội nhập sâu rộng, đặc biệt khi ngày càng nhiều trường học tại Việt Nam triển khai chương trình quốc tế, không khó để bắt gặp những triết lý, phương pháp và thuật ngữ giáo dục phương Tây xuất hiện dày đặc trong văn bản chiến lược, hội thảo chuyên môn hay các bài giới thiệu nhà trường. Từ “dạy học dựa trên truy vấn”, “học tập khai phóng”, “học tập chủ động”, “học tập qua dự án”, đến “dạy học phân hóa” và “lấy người học làm trung tâm” - những khái niệm này thường được xem như dấu hiệu của một ngôi trường hiện đại, tiên tiến.
Tuy nhiên, khi những thuật ngữ ấy chỉ dừng lại ở khẩu hiệu - được nhắc đến nhiều nhưng không thấm vào thực hành sư phạm hàng ngày - chúng dễ trở thành những “buzz words”: hoa mỹ trong ngôn từ nhưng trống rỗng trong nội dung. Một nền giáo dục nếu chỉ “nhập khẩu lý luận” và sao chép các phương pháp quốc tế như công thức sẵn có, mà không trải qua quá trình chuyển hóa (adaptation), phản tư (critical reflection) và tái định hình (reframing) dựa trên bối cảnh cụ thể của từng nhà trường tại Việt Nam, thì thứ còn lại chỉ là lý thuyết rời rạc - không đủ sức tạo ra chuyển biến thực sự trong lớp học.
Người giáo viên Việt Nam: Dạy thế nào cho đúng?
High Performance Learning (HPL) là một triết lý giáo dục quốc tế dựa trên niềm tin rằng mọi học sinh đều có thể trở thành người học xuất sắc, nếu được dạy đúng cách. Nhưng “Dạy thế nào cho đúng?”. Tại hội thảo, tôi nhận ra rằng “dạy đúng” không phải là một công thức duy nhất, và những trường học ưu tú hay đẳng cấp thế giới không phải là nơi áp dụng máy móc các chiến lược giảng dạy được chứng minh hiệu quả, mà là nơi biết kết hợp giữa lý luận học thuật và tinh thần địa phương, giữa cái chung và cái riêng, giữa quy chuẩn toàn cầu và bản sắc riêng (của ngôi trường, của lớp học, và của học sinh).
Trong bối cảnh hội nhập và xu hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, đội ngũ giáo viên Việt Nam - đặc biệt là những người giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh - sẽ đứng trước những câu hỏi bản lề: “Dạy đúng với chuẩn phương Tây, hay dạy đúng với học trò trước mặt mình?”
Nếu chỉ rập khuôn theo evidence-based teaching, người thầy dễ rơi vào trạng thái “áp dụng đúng nhưng không hiệu quả”. Ngược lại, khi giáo viên biết linh hoạt “bẻ cong” lý luận, điều chỉnh các chiến lược, và đặt học sinh – với tất cả sự phức tạp và khác biệt - làm trung tâm, thì lúc đó, họ đang thực hành evidence-informed teaching. Và xa hơn, đó cũng là thực hành sống động lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “lãnh đạo thực tiễn bằng lý luận được tôi luyện từ thực tiễn.”
Lý luận phải trở về với con người
Về bản chất, evidence-based giúp ta tôn trọng khoa học và những gì đã được chứng minh, còn evidence-informed giúp ta hiểu sâu sắc hơn điều gì thực sự phù hợp với học sinh.
Với tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, người giáo viên thế kỷ 21 - giữa thế giới biến đổi không ngừng - không chỉ cần hiểu lý luận, mà còn phải biết kiến tạo lý luận từ chính thực tiễn giảng dạy của mình - để rồi quay trở lại dẫn dắt thực tiễn bằng lý luận ấy.
Chỉ khi đó, việc dạy học mới vượt ra khỏi khuôn mẫu cứng nhắc, để trở thành một hành trình nhân văn: khai mở tri thức, nuôi dưỡng nhân cách, đánh thức nội lực và giải phóng tiềm năng của mỗi học sinh.
[*] High Performance Learning (HPL) là một triết lý giáo dục quốc tế do Giáo sư Deborah Eyre phát triển, hiện đang được triển khai tại hơn 100 trường học với hàng chục nghìn học sinh ở hơn 20 quốc gia trên thế giới – từ Anh, Trung Đông, châu Á đến châu Phi.
HPL đưa ra một bộ khung tiêu chuẩn rõ ràng cho một “trường học đẳng cấp thế giới” (World Class School), trong đó nhà trường tập trung vào việc phát triển năng lực tư duy bậc cao (Advanced Cognitive Performance) và hệ giá trị – thái độ – phẩm chất (Values, Attitudes, Attributes) của học sinh, thông qua việc xây dựng văn hóa học đường nhiều kỳ vọng (high expectations) và thực hành sư phạm nhất quán.
Triết lý này không chỉ thay đổi cách học sinh được nhìn nhận – từ “học sinh giỏi bẩm sinh” sang “mọi học sinh đều có thể học giỏi” – mà còn định hình lại cách giáo viên thiết kế bài học, cách lãnh đạo nhà trường hoạch định chiến lược, và cách toàn bộ cộng đồng học đường cùng hướng đến sự xuất sắc một cách bền vững và bao trùm.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Tác giả: Nguyễn Quang Minh (Chuyên gia giáo dục quốc tế)
ĐỌC THÊM BÀI CÙNG TÁC GIẢ: