Gần đây, bộ phim tài liệu Adolescence (Tuổi mới lớn) trên Netflix đã tạo nên tiếng vang mạnh mẽ trong giới giáo dục, đặc biệt tại các trường học ở Anh. Được chính Thủ tướng Anh yêu cầu chiếu trong nhà trường như một phần của chiến lược quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên, Adolescence không chỉ mở ra góc nhìn mới mà còn là lời cảnh tỉnh về những tổn thương âm thầm trong đời sống học đường.
Từ góc nhìn của người làm giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh, Adolescence chính là tấm gương phản chiếu những điều mà nhà trường đôi khi chưa lắng nghe được. Bộ phim theo chân một nhóm thanh thiếu niên vật lộn với áp lực xã hội, khủng hoảng gia đình và những tổn thương sâu kín - nhằm giúp người lớn hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm phức tạp của các em.
Safeguarding - Lời nhắc từ hiện thực
Tại nhiều trường học ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ trẻ em (safeguarding) vẫn còn khá mơ hồ, thậm chí bị xem nhẹ. Không ít trường hoàn toàn không có Ban chăm sóc và bảo vệ học sinh, thiếu những cán bộ chuyên trách hoặc đầu mối rõ ràng để tiếp nhận và xử lý các tình huống phát sinh. Giáo viên – những người ở tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp với học sinh hằng ngày - lại không được tập huấn bài bản về dấu hiệu tổn thương tâm lý hay bạo lực thể chất. Một vết thâm lạ, ánh mắt sợ hãi, thái độ trầm lặng bất thường… đều có thể là tín hiệu, nhưng phần lớn giáo viên rơi vào thế lúng túng, không biết nên phản ứng như thế nào, nói với ai, và bắt đầu từ đâu.
Trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn đang xử lý các tình huống học đường dựa vào kinh nghiệm cá nhân – vốn có thể hữu ích trong một số trường hợp, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xã hội, tâm lý học sinh và môi trường số đang biến đổi từng ngày. Không ít trường hợp, giáo viên đã nhầm lẫn giữa những biểu hiện tổn thương tâm lý với hành vi sai phạm, từ đó áp dụng các hình thức kỷ luật hà khắc thay vì tiếp cận bằng sự thấu hiểu và hỗ trợ chuyên môn. Khi hình phạt được dùng để thay thế cho chăm sóc, trẻ không chỉ mất niềm tin vào người lớn, mà còn bị đẩy sâu hơn vào trạng thái tổn thương. Và chính điều này đặt sự an toàn của học sinh vào rủi ro cao.
Một số trường khác tuy có quy trình bảo vệ trẻ em nhưng lại dừng ở mức hành chính: điền form, ghi nhận, chuyển hồ sơ. Khi quy trình không đi kèm với năng lực xử lý, sự đồng cảm và khả năng hành động kịp thời – thì mọi thủ tục dù đầy đủ đến đâu cũng không đủ để giúp học sinh vượt qua khủng hoảng.
Trong bộ khung giám định quốc tế của Hội đồng các Trường Quốc tế (Council of International Schools - CIS), Wellbeing được xác định là một trong ba trụ cột cốt lõi cùng với Học tập (Learning) và Công dân toàn cầu (Global Citizenship). Trong đó, Safeguarding và Child Protection không chỉ là các yêu cầu bắt buộc, mà còn là những nguyên tắc nền tảng để đánh giá mức độ nhân văn và bền vững của một môi trường giáo dục. Với kinh nghiệm giám định các trường song ngữ và quốc tế tại Việt Nam, tôi nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa những trường chỉ “làm cho có” và những nơi sống đúng với triết lý lấy học sinh làm trung tâm mỗi ngày. Đó là những ngôi trường không chỉ biết nhận diện vấn đề - mà còn biết hành động, với niềm tin rằng mỗi học sinh đều xứng đáng được bảo vệ.
Từ Anh sang Việt Nam: Bối cảnh khác, câu hỏi chung
Tại Anh, Adolescence được chiếu như một công cụ giáo dục nhằm giúp học sinh đối mặt với những thách thức tâm lý ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, dù bối cảnh khác biệt - từ sĩ số lớp học đông đến áp lực thi cử - nhưng câu hỏi cốt lõi vẫn như nhau: Trường học có phải là nơi trẻ cảm thấy an toàn và được lắng nghe?
Đối với phụ huynh, việc lựa chọn trường học cho con ngày càng đòi hỏi sự tỉnh táo và đánh giá toàn diện hơn, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp của xã hội hiện đại. Dưới góc độ của một giám định viên CIS, có ba yếu tố then chốt cần được đặt ra:
1. An toàn (Safety)
Cơ sở vật chất, không gian lớp học, hành lang, nhà vệ sinh… có thực sự được thiết kế để bảo vệ học sinh khỏi các nguy cơ tiềm ẩn? Trong các kỳ giám định quốc tế, những chi tiết tưởng như nhỏ - như việc nhà vệ sinh học sinh được tách biệt hoàn toàn với khu vực dành cho người lớn - lại được xem là chỉ báo thực tiễn về mức độ thấu hiểu và cam kết của nhà trường đối với an toàn học đường. Những yếu tố này không chỉ phản ánh tư duy thiết kế, mà còn cho thấy nhà trường có thực sự nhìn mọi khía cạnh vận hành từ góc nhìn của học sinh hay không.
2. Cảm giác thuộc về (Belonging)
Cảm giác thuộc về không tự nhiên mà có - nó được nuôi dưỡng thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Từ cách giáo viên gọi đúng tên học sinh, cách các em được lắng nghe và phản hồi trong lớp, đến những hoạt động xây dựng cộng đồng - tất cả đều góp phần tạo nên một môi trường nơi học sinh cảm thấy được công nhận, tôn trọng và có vai trò. Chính trong không gian này, học sinh bắt đầu quá trình nhận diện bản thân (self-identity) - hiểu mình là ai, mình thuộc về đâu, và giá trị của mình là gì. Khi một học sinh cảm thấy mình thực sự “thuộc về”, các em không chỉ an tâm học tập mà còn phát triển bản lĩnh cá nhân để trưởng thành một cách tự tin và lành mạnh.
3. Chương trình (Curriculum)
Theo triết lý High Performance Learning (*), một trường học đẳng cấp thế giới không chỉ giúp học sinh vượt qua bài kiểm tra - mà cần thiết kế chương trình học một cách có chủ đích để trang bị cho các em năng lực tư duy bậc cao cùng hệ giá trị - phẩm chất cần thiết để vượt qua những thử thách của chính mình.
Học sinh Trường Nguyễn Siêu tích cực ứng dụng triết lý HPL trong học tập và cuộc sống
Trong thời đại số, khi các thông điệp độc hại từ mạng xã hội và tư tưởng cực đoan - như trào lưu incel (chỉ một nhóm nam giới trẻ cảm thấy bị từ chối bởi phụ nữ và xã hội, từ đó nuôi dưỡng sự thù hằn và đổ lỗi) hay hình mẫu hypermasculinity (nam tính thái quá, đề cao quyền lực và sự kiểm soát) – ngày càng len lỏi vào tâm trí học sinh, chương trình học không thể chỉ tập trung vào kiến thức học thuật.
Thay vào đó, chương trình cần chủ động tích hợp các năng lực thiết yếu như tư duy phản biện (critical thinking), tự nhận thức (self-awareness), và sự kiên cường (resilience) – nhằm giúp học sinh phân biệt giữa thực tại và những ảo ảnh được tô vẽ trên mạng xã hội, giữa giá trị thật và giá trị ảo. Đây không chỉ là những “kỹ năng mềm”, mà là nền tảng sống còn để các em đứng vững, phát triển bản lĩnh cá nhân, và trưởng thành một cách lành mạnh trong một thế giới đầy biến động.
Thay lời kết
Adolescence không phải là một bộ phim để giải trí. Đó là lời nhắc tỉnh táo và đầy ám ảnh rằng trẻ em đang sống giữa chúng ta – với những tổn thương âm thầm, những áp lực không tên, và cả những giằng xé về niềm tin, ước mơ, bản sắc. Trong guồng quay của nhà trường và xã hội, người lớn đôi khi quá vội để kịp lắng nghe.
Giáo dục, vì thế, không thể chỉ là việc truyền đạt kiến thức. Đó phải là hành trình kiên trì kiến tạo một môi trường nơi trẻ cảm thấy an toàn, được thấu hiểu, được nâng đỡ – và trên hết, cảm thấy mình thực sự “thuộc về”. Chỉ khi ấy, các em mới đủ vững vàng để nhận diện bản thân, xây dựng giá trị sống, và trưởng thành một cách lành mạnh, trọn vẹn.
Bởi đôi khi, tất cả những gì một đứa trẻ cần – như lời thì thầm nghẹn ngào trong phim – chỉ đơn giản là:
“Em chỉ muốn có ai đó thực sự quan tâm – không phải vì trách nhiệm, mà vì em là em.”
[*] High Performance Learning (HPL) là một triết lý giáo dục quốc tế do Giáo sư Deborah Eyre phát triển, hiện đang được triển khai tại hơn 100 trường học với hàng chục nghìn học sinh ở hơn 20 quốc gia trên thế giới – từ Anh, Trung Đông, châu Á đến châu Phi.
HPL đưa ra một bộ khung tiêu chuẩn rõ ràng cho một “trường học đẳng cấp thế giới” (World Class School), trong đó nhà trường tập trung vào việc phát triển năng lực tư duy bậc cao (Advanced Cognitive Performance) và hệ giá trị – thái độ – phẩm chất (Values, Attitudes, Attributes) của học sinh, thông qua việc xây dựng văn hóa học đường nhiều kỳ vọng (high expectations) và thực hành sư phạm nhất quán.
Triết lý này không chỉ thay đổi cách học sinh được nhìn nhận – từ “học sinh giỏi bẩm sinh” sang “mọi học sinh đều có thể học giỏi” – mà còn định hình lại cách giáo viên thiết kế bài học, cách lãnh đạo nhà trường hoạch định chiến lược, và cách toàn bộ cộng đồng học đường cùng hướng đến sự xuất sắc một cách bền vững và bao trùm.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Tác giả: Nguyễn Quang Minh (Chuyên gia giáo dục quốc tế)
ĐỌC THÊM BÀI CÙNG TÁC GIẢ: