Trường Nguyễn Siêu của chúng tôi phát triển được như ngày nay, cả về chất lượng cũng như số lượng là do có sự tin tưởng, đồng hành từ phía học sinh và cha mẹ học sinh với nhà trường trong mọi hoạt động.
Đó là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng Bộ, cũng như HĐQT - BGH nhà trường. Ngoài ra không thể không nhắc tới vai trò và vị trí của người giáo viên làm chủ nhiệm lớp (người được cho là người mẹ - người cha thứ hai của các con học sinh).
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thể được các thế hệ học sinh rất mực yêu quý
Bất kể mô hình trường học nào (trường công lập, hay trường ngoài công lập), thì công tác chủ nhiệm lớp, đều được các nhà trường hết sức chú trọng. Vì hình ảnh, nhân cách của người giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của đứa trẻ. Nhất là mô hình của trường học Nguyễn Siêu (học sinh: học, ăn, ở, ngủ, nghỉ bán trú cùng thầy cô cả ngày). Vậy thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm lớp tại trường Nguyễn Siêu phải là người như thế nào?
Thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm của trường Nguyễn Siêu:
- Là người tâm phải sáng và tầm phải cao.
- Không chỉ giỏi về chuyên môn mà phải giỏi cả về nghiệp vụ.
- Không chỉ là nhà sư phạm thuần thúy mà còn phải là một chuyên gia về tâm lý.
- Không được đào tạo làm “trọng tài”, nhưng phải là cầu nối để giải quyết các tình huống xung đột: Giữa học sinh với học sinh trong lớp; Giữa học sinh của lớp mình với học sinh của lớp khác; thậm chí giữa cha mẹ với học sinh; Giữa học sinh với giáo viên bộ môn. Nhưng tất cả phải xử lý rất tinh tế, linh hoạt và công bằng.
- Luôn gương mẫu đi đầu trong tất cả các công việc.
- Là người phải chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ.
- Là người phải nắm chắc: các thông tư; các quyết định; các văn bản chỉ đạo của các cấp, liên quan đến học sinh và giáo viên.
- Phải là người tự tin trong giao tiếp, nhất là trước học sinh và cha mẹ học sinh.
- Giáo viên chủ nhiệm lớp nhất thiết phải biết cách xây dựng và đào tạo được đội ngũ cán bộ lớp giúp việc cho mình, đặt niềm tin vào học sinh và tạo cơ hội cho học sinh làm chủ các chương trình, các hoạt động phù hợp với năng lực, điểm mạnh của mình.
- Kiên nhẫn, lắng nghe bằng cả trái tim khi học trò trình bày.
- Luôn chia sẻ, thấu cảm và cùng chịu trách nhiệm về kết quả học tập, cũng như rèn luyện với học sinh trong lớp.
- Trong quá trình giáo dục, phải tạo cơ hội cho học trò sửa chữa những sai lầm và không được “gom” tội của học trò.
- Chú trọng giáo dục học sinh từ những hành vi nhỏ, để đạt được nhân cách lớn.
- Dạy học sinh cách làm người tốt trước khi dạy kiến thức chuyên môn.
- Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống thông qua các chuyên đề, các câu chuyện về cuộc sống thường nhật có liên quan.
- Dạy học sinh biết tôn trọng sự khác biệt của các bạn trong lớp, xây dựng một tập thể lớp đoàn kết.
- Không duy trì và áp dụng máy móc phương pháp, hình thức chủ nhiệm của năm học này cho các năm học tiếp theo, mà phải linh hoạt tùy từng đối tượng.
- Khi giải quyết các vụ việc (tình huống), các công việc trong lớp cần phải đặt mình vào 4 vị trí, vai trò khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Vai trò của người thầy: Người truyền thụ kiến thức và học sinh là người tiếp nhận kiến thức (phải có khoảng cách trên, dưới rõ dàng).
Vai trò người cha (mẹ) để các con tin yêu, kính trọng.
Vai trò như người anh (chị) để các con thêm tự tin và hãnh diện.
Vai trò của người bạn đồng trang lứa, không có khoảng cách để các con có thể trải lòng tâm sự những việc vui; việc buồn; tình yêu; tình bạn.
- Giáo viên chủ nhiệm luôn cần hoàn thiện năng lực tự học, tự bồi dưỡng và phải tiếp cận, cập nhật các phương pháp giáo dục phù hợp với môi trường hội nhập.
- Biết tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
- Phải tạo được niềm tin, sự tín nhiệm với học sinh và cha mẹ học sinh bằng những việc làm cụ thể…
Để công tác chủ nhiệm lớp được gọi là “Nét đẹp văn hóa - Nghệ thuật giáo dục tầm cao”, bản thân tôi luôn tự nhủ mình phải học hỏi từ đồng nghiệp và cố gắng nhiều hơn nữa, để đáp ứng được phần nào sự kỳ vọng, mong mỏi từ học sinh và cha mẹ học sinh.
Tôi xin được mượn lời của một bài hát để kết lại bài viết của mình ở đây:
Nếu em là cánh diều
Thầy nguyện làm ngọn gió
Suốt một đời gió thổi
Nâng cánh diều em bay...
* Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thể
(GVCN 12NS1 Trường Nguyễn Siêu năm học 2018-2019
Giải Nhất Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Thành phố năm học 2016-2017)
(Bài viết là tham luận tại Hội nghị về công tác chủ nhiệm lớp của cụm Thanh Xuân - Cầu Giấy, ngày 30/3/2019 tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.)