Kiến thức giáo học pháp có dạy: "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng là con đường truyền thụ kiến thức của giáo viên đến học sinh"...
Khi dạy ở trường THCS và THPT công lập, tôi đã sử dụng kênh hình, kênh chữ của SGK, bảng đen phấn trắng rồi cả những tranh tự vẽ để giảng dạy cho học sinh.
Năm 2009, tôi về hưu sớm và xin được dạy môn Công nghệ ở khối THCS và THPT Nguyễn Siêu. Thời điểm đó, máy chiếu projector ở các trường công lập rất ít, nhưng ở Nguyễn Siêu, mỗi lớp đều có máy chiếu và pont lắp sẵn. Từ đó tôi soạn giảng bằng trình chiếu Powerpoint. Vẫn kênh hình, kênh chữ của SGK, bảng, phấn... nhưng sự kết hợp máy chiếu có câu hỏi gợi mở cùng với những hình ảnh cập nhật thực tế kỹ thuật mới nhất đã giúp sự tiếp nhận kiến thức đồng thời truyền cảm hứng học tập cho các con học sinh.
Dưới mái trường này, "kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" đã trở thành nếp dạy và nếp học của thầy và trò.
Giờ thực hành ở lớp 9
HS làm việc theo nhóm ở phòng thí nghiệm, khi kiểm tra đánh giá, mỗi em đều phải thuyết minh hoạt động của mạch điện trên sản phẩm đã làm. Thầy cắm phích điện vào ổ điện; Cho HS bật tắt công tắc điện. Đèn 220V-25W bật sáng, HS phấn khởi với thành quả của mình. |
Nhà trường đề cao các hoạt động trải nghiệm sáng tạo hàng năm cho HS từng môn học và từng khối lớp.
Nhóm Công nghệ khi đó có tôi Đỗ Văn Điểm, cô Hồng Vân, cô giáo Thanh Hòa. Chúng tôi đã đến liên hệ với cơ sở để HS đến trải nghiệm, chuẩn bị thuyết minh. Sau đó làm kế hoạch trình BGH nhà trường. Sau khi duyệt phương án, đúng ngày giờ, trường bố trí ô tô đưa chúng tôi với học sinh đi và có thêm giáo viên chủ nhiệm lớp cùng lãnh đạo của BGH đi giúp đỡ.
Lớp 6, các em được tham gia hoạt động trải nghiệm tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông; Tại đây các em được biết cây dâu có lá cho tằm ăn, tằm nhả tơ thành kén, rồi se sợi dệt thành tấm Lụa.
|
|
Lớp 8, các em được tham gia hoạt động trải nghiệm tại làng gốm sứ Bát Tràng.
|
HS thực hành việc vẽ màu lên sản phẩm
|
Lớp 11 các em trải nghiệm tại khoa Sư phạm kỹ thuật - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
HS được hướng dẫn thực hành dũa sản phẩm kim loại. |
HS được kĩ thuật viên hướng dẫn tiện sản phẩm kim loại trên máy tiện. |
Có năm các em lớp 11 còn được trải nghiệm tại công ty Nissan Việt Nam.
|
HS được tìm hiểu về cấu tạo, các bộ phận trong ô tô như bánh răng, hộp số, đai truyền, khớp các đăng... và hệ thống truyền chuyển động trong ô tô tại công ty Nissan Việt Nam tại Trung tâm công nghệ cao Hòa Lạc. |
Kỷ niệm sâu sắc trong đời dạy học của tôi
|
Đây là hình ảnh giờ học cuối cùng của năm học 2018 tại lớp 11A1 - giờ dạy cuối cùng sau 9 năm của tôi tại trường Nguyễn Siêu, cũng là giờ dạy cuối cùng sau 39 năm của tôi tại các trường công lập và một trường ngoài công lập là Nguyễn Siêu. Tôi xúc động khi các em đề nghị tôi dạy tiếp lớp 12 cho các em rồi hẵng nghỉ. Tôi nói: “Thầy cảm ơn, vì nay thầy đã sang 66 tuổi rồi.” |
Hình ảnh ấn tượng
|
Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường: Thầy như một chính ủy Trung đoàn năm xưa của chúng tôi. Những người cựu chiến binh tuổi con, tuổi em của thầy, nay là giáo viên, công nhân viên của nhà trường Nguyễn Siêu được vinh dự chụp ảnh cùng thầy nhân dịp ngày thành lập quân đội nhân dân VN 22/12/ 2017 tại phòng họp của cán bộ, giáo viên nhà trường. |
Lời cảm ơn của tôi gửi tới nhà trường:
Xin cảm ơn mái trường Nguyễn Siêu, xin cảm ơn thầy Nguyễn Trọng Vĩnh, cô Dương Thị Thịnh, cô Nguyễn Thị Minh Thúy đã có đường lối lãnh đạo và điều hành thật tuyệt vời để tôi với các đồng nghiệp khác được cống hiến, được phát huy khả năng của mình trong giờ dạy trên lớp và trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm thành công. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc ở đây. Nhân dịp này, tôi xin kính chúc Hội đồng Quản trị và các đồng chí Ban giám hiệu, các thầy cô giáo trường ta luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để đưa trường Nguyễn Siêu đạt được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa. |
Đỗ Văn Điểm (nguyên Giáo viên môn Công nghệ Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu)