Ngày còn trên giảng đường đại học, tôi và chúng bạn thường hay mường tượng về ngôi trường mơ ước mà mình sẽ làm việc. Người mong muốn chính sách đãi ngộ tốt, lãnh đạo thân thiện hay học sinh nhiệt tình… riêng tôi luôn hi vọng được làm việc cùng những người đồng nghiệp có thể truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho mình. Khi trở thành một mảnh ghép của Nguyễn Siêu, tôi đã may mắn gặp được những đồng nghiệp tuyệt vời như thế, đặc biệt là chị Tô Lan Hương – tổ trưởng tổ Ngữ văn.
Lửa làm nghề - Tất cả vì học trò
Đến giờ, tôi vẫn không thể nào quên những giây phút đầu tiên được tiếp xúc với chị trong buổi thi tuyển vào trường qua Zoom. Tôi còn nhớ cái cảm giác thất vọng vô cùng khi kết thúc bài giảng mà mới chỉ dạy xong phần Đọc – tìm hiểu chung của văn bản “Chiều tối”. Đến phần nhận xét, giọng nói trẻ trung, hào sảng và lời động viên của chị đã tiếp thêm nguồn cổ vũ lớn lao cho tôi. Chị nói, chị thấy rõ sự quan tâm học sinh của tôi, rằng những hoạt động học tập đừng nên chạy theo hình thức mà cốt lõi phải vì học trò. Dù chưa gặp mặt trực tiếp nhưng tôi đã rất quý mến chị, một người giáo viên hết lòng với việc dạy học.
Trong hai năm được chị đào tạo, dự giờ, góp ý, tôi luôn thấy được sự đau đáu của chị qua những câu hỏi “Trẻ con có được hoạt động không?”, “Hoạt động dạy đã đủ hứng thú, hiệu quả chưa?”, “Học sinh có gặp trở ngại gì khi thực hiện hoạt động không?”… Kể từ khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chị luôn nhắc nhở chúng tôi, đây chính là cơ hội và thách thức cho cả cô và trò, phải hiểu đúng chương trình và mạnh dạn sáng tạo thì mới khai phá được tiềm năng của học trò. Có những tiết dự giờ, chị tỉ mỉ ghi lại từng câu trả lời, cách tương tác của học sinh; đến từng bàn quan sát việc ghi chép, tư thế ngồi, làm việc nhóm của học sinh để kịp thời cùng đồng nghiệp phân tích, tìm giải pháp hỗ trợ các con.
Có những đợt thanh tra, cuộc họp gấp gáp buộc chị phải nhờ đồng nghiệp vào thay tiết dạy, trông kiểm tra. Dẫu vậy, chị vẫn cố gắng vào lớp đầu tiết để giao nhiệm vụ học tập, để động viên các con lớp 12 làm bài thi thật tốt. Nhìn ánh mắt của học trò dõi theo chị, tôi có thể cảm nhận được sâu sắc sự tin tưởng, yêu thương mà các con dành tới chị.
Lửa ý chí - “Cứ làm đi. Không có gì phải sợ!”
Đối với một giáo viên trẻ như tôi, không còn gì quý hơn khi được các anh chị kể cho nghe những trải nghiệm sống, những câu chuyện làm nghề. Trong giờ giải lao, họp tổ, bác Tô hay tâm sự với chúng tôi nhiều kỉ niệm hồi học phổ thông, đại học, được giữ lại làm giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cơ duyên đến với Nguyễn Siêu và vô vàn bài học thấm thía của cuộc đời. Tôi thật không thể ngờ, người phụ nữ với thân hình nhỏ nhắn, phong cách dung dị trước mặt mình lại có nội lực sống mạnh mẽ đến vậy.
Cô Tô Lan Hương bên đồng nghiệp và gia đình, từ giảng đường Sư phạm về xây dựng không khí học thuật tại Nguyễn Siêu
Khi hỏi các anh chị đồng nghiệp ấn tượng về "bác Tô" (tên thân mật mà các đồng nghiệp vẫn gọi chị), tôi đều nhận được câu trả lời là sự tận tâm, tận lực. Không chỉ là một tổ trưởng chuyên môn, quản lí nhân sự và kế hoạch dạy học của cả hai cấp, chị Hương còn phụ trách các đợt tuyển sinh, trở thành cố vấn cho nhiều dự án, chương trình lớn của nhà trường. Kể cả trong những tình huống đầy thử thách, chưa khi nào tôi thấy chị biểu lộ sự bối rối mà luôn bình tĩnh tìm giải pháp, trấn an và đồng hành cùng các thành viên của tổ. Khi có trường hợp khó giải quyết hay nảy ra ý tưởng mới nhưng chưa dám thực hiện, chúng tôi thường tìm đến chị để xin tham mưu. Dường như lần nào cũng vậy, chúng tôi sẽ nhận được một câu thần chú của chị “Cứ làm đi. Không có gì phải sợ!”. Chị dạy cho chúng tôi rằng, chị không phải một người phi thường, chị cũng từng giống như chúng tôi – những người trẻ với nhiều hoài bão, hoang mang và chúng tôi rồi cũng sẽ giống chị - một người đủ bản lĩnh, vững vàng để đứng trên đôi chân của chính mình.
Thỉnh thoảng chị hay than thở với chúng tôi “chị già rồi” nhưng hễ khi nào trường có đợt tập huấn về chuyển đổi số, thi chứng chỉ MIE, MCE, chị đều hết sức tập trung lắng nghe, ghi chép cẩn thận xem có thể áp dụng trong môn học của mình được không. Trong đợt ôn thi MCE vừa qua, khi chúng tôi vẫn còn lúng túng trước các kiến thức lí thuyết cơ bản thì chị đã nắm rõ, thậm chí tham gia thảo luận sôi nổi. Sự nhiệt tình của chị còn khiến cô Cao Lan - Phó Hiệu trưởng nhầm tưởng chị đã đăng kí thi mặc dù không nằm trong danh sách bắt buộc. Trong mắt chúng tôi, tuổi tác của chị có lẽ chỉ là những con số, chị vẫn sẽ là một người trẻ bởi chính tinh thần ham học hỏi, sự cầu tiến và sáng tạo của chị.
Lửa tình thương - Hãy bao bọc nhau từ những điều nhỏ nhất
Cứng rắn trong công việc là thế nhưng chị lại sống rất tình cảm với mọi người xung quanh. Trong vai trò của một người vợ, người mẹ, chị luôn tự tay chuẩn bị những bữa ăn dinh dưỡng, thiết kế hoạt động vui chơi cho gia đình. Bạn lớn sức khỏe chưa được tốt, chị cố gắng ở cạnh con mọi lúc, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, cùng con tập luyện để cải thiện thể chất. Con sắp có kì thi chuyển cấp, chị cũng dành thêm thời gian nghiên cứu các dạng đề thi, ôn tập cùng con dẫu công việc của bản thân vẫn còn bề bộn.
Với chúng tôi, bác Tô là một người chị cả thật ấm áp. Chị quan tâm, hỏi han chúng tôi hàng ngày, từ chuyện sức khỏe, học tập đến gia đình. Khi một thành viên có công việc bận, chị đều nhắn tin động viên, chủ động tự mình hỗ trợ hoặc giao nhiệm vụ cho các thành viên khác làm cùng. Những ngày chấm tuyển sinh, làm hồ sơ, thi giáo viên giỏi đến tối muộn, chị đều nán lại xem chúng tôi có cần giúp đỡ gì không, tư vấn việc điều chỉnh các hoạt động dạy học. Hơn thế nữa, chị còn truyền cho chúng tôi động lực thực hành một cuộc sống khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Nhờ có chị, tôi mới biết sữa hạt mình tự làm có thể thơm ngon đến vậy, việc thiền định mỗi ngày chỉ từ 15 phút thôi cũng khiến tâm hồn mình bình an hơn rất nhiều. Cứ thế, chị cho chúng tôi những tình cảm chân thành, gắn bó của gia đình; dạy chúng tôi biết nâng đỡ nhau cùng phát triển, tạo nên một tập thể bền vững.
Mỗi người đi qua cuộc đời đều là người thầy của chúng ta. Với tôi, chị Hương không chỉ là người thầy mà còn là một người chị gần gũi, một người “sếp” mẫu mực, một người truyền lửa kiên cường. Chị đã, đang và sẽ âm thầm tỏa sáng theo cách riêng của mình, lan tỏa những giá trị đáng trân quý đến cộng đồng giáo viên trẻ, trở thành tấm gương điển hình cho phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của trường Nguyễn Siêu.
Nguyễn Thu Trang (GV Ngữ văn)