"Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Vạn Phúc với anh thì về/ Vạn Phúc có cội cây đề/ Có sông uốn khúc, có nghề quay tơ". Sáng ngày 26 và 27/12, trường THCS và THPT Nguyễn Siêu đã tổ chức hoạt động trải nghiệm liên môn mang tên "Dấu ấn quê lụa" dành cho các bạn học sinh khối 8 tại Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội).
Tại đây, các bạn học sinh được thăm quan đền thờ tổ nghề và tìm hiểu về lịch sử cũng như quá trình hình thành của làng nghề. Trải qua nhiều thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và đi đầu trong ngành dệt lụa của Việt Nam.
Đến thăm quan Làng lụa Vạn Phúc, học sinh được ngắm nhìn những nét đẹp tới từ phong cảnh như chùa Vạn Phúc cổ kính đã tồn tại suốt mấy trăm năm, nổi bật là cây đa cổ thụ và đài sen Phật Bà Quan Âm hay tường bích họa do các cô giáo trường mầm non tô lên những nét vẽ giản dị, tái hiện lại điểm đặc trưng của làng lụa Vạn Phúc, giúp nơi đây khoác lên mình một bộ áo mới.
Bên cạnh đó, học sinh có cơ hội tìm hiểu về quy trình sản xuất lụa tơ tằm một cách cực kỳ chi tiết và rõ nét, được hướng dẫn bởi những người thợ nghề lâu năm tại Làng lụa Vạn Phúc. Để đảm bảo chất lượng đồng đều, sản phẩm tơ lụa hoàn hảo, người thợ dệt phải trải qua nhiều công đoạn và làm nghề trong nhiều năm. Từ công đoạn cầu kỳ như tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm rồi phươi dưới nắng cho lụa khô, họ cũng đều đặt hết tâm huyết của mình vào từng sợi vải.
Cuối buổi là thời gian dành cho trải nghiệm tự mình làm nên một vòng đeo tay bằng lụa để làm kỷ niệm cho chuyến đi thăm quan và trải nghiệm một làng nghề văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh từ buổi trải nghiệm.