Trong hai ngày 5 & 6/4, toàn bộ học sinh khối 6 đã có những trải nghiệm thực tế tại trạm Khí tượng Hà Đông để tận mắt chứng kiến các công cụ, căn cứ dự báo thời tiết và tìm hiểu nguyên nhân, cách ứng phó với nhiều hiện tượng thời tiết, thiên tai.
Nồm là gì? Tại sao khi trời nồm, nền nhà sũng nước, quần áo giặt không khô, các vật dụng dễ bị ẩm mốc...? Một hiện tượng thời tiết phổ biến trong những ngày này ở miền Bắc đã được lý giải bằng khoa học từ các cô bác cán bộ ở trạm Khí tượng Hà Đông, mang đến những khám phá mới lạ, thú vị cho các con.
Hiện tượng "nồm" được lý giải trực quan bằng một cốc nước để các con thấy nguyên nhân đến từ các yếu tố độ ẩm, nhiệt độ trong không khí...
Đó chỉ là một trong nhiều hình thái của thời tiết mà các con được tìm hiểu trong buổi trải nghiệm hữu ích này, đặc biệt là những hình thái thời tiết khắc nghiệt, cực đoan như rét đậm, rét hại, mưa đá, tố lốc… Bên cạnh đó, các con còn được trang bị những kiến thức cần thiết về biến đổi khí hậu và thiên tai, cách ứng phó với sóng thần, bão lụt… thông qua trò chơi đố vui có thưởng, từ đó hiểu hơn về giá trị của công tác dự báo thời tiết.
Các con được tìm hiểu lý thuyết thông qua các câu hỏi, đố vui có thưởng
Một trong những cơ sở quan trọng để dự báo thời tiết chính là số liệu từ các trạm Khí tượng Thủy văn. Đến với trạm Hà Đông, các con đã được tiếp cận với nhiều công cụ tiêu biểu mà ngành Khí tượng thế giới đang sử dụng để quan trắc, theo dõi và đưa ra dự báo, cảnh báo. Những vật dụng thoạt trông thì khá giản đơn như một vạt đất đo độ ẩm, chiếc thùng hứng nước mưa, cánh quạt xác định hướng gió, quả cầu thủy tinh đo nhiệt lượng mặt trời…, nhưng tất cả đều mang theo nó sự sống còn của mỗi vùng miền.
Những trải nghiệm thực tế với các công cụ quan trắc, dự báo thời tiết.