NS-ERS MANG “TẦM NHÌN TOÀN CẦU” HƯỚNG VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ NỀN MỸ THUẬT VIỆT NAM

16:08 04/12/2023

Mở rộng không gian lớp học, tuần qua, học sinh đang theo học môn Media Studies và Global Perspectives đã có những trải nghiệm thực tế, sống động, tìm hiểu về giá trị văn hóa và lịch sử tại Bảo tàng Phụ nữ và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hướng tới phương pháp mang tính thực tiễn và tạo hứng thú hơn cho môn học, trường Nguyễn Siêu đã tổ chức buổi trải nghiệm lịch sử và văn hóa đầy ý nghĩa tại Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Phụ nữ cho học sinh lớp 11 và 12 hai môn Global Perspectives (Tầm nhìn toàn cầu) và Media Studies (Truyền thông). 

Được thành lập từ năm 1987 bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ lưu giữ những kỷ vật, tài liệu, chứng tích quan trọng của người phụ nữ xưa và nay. Tại đây, các em học sinh đã có cơ hội tìm hiểu vai trò của người phụ nữ trong mọi lĩnh vực từ trong hôn nhân, cách mạng đến khoa học. 

Với bộ sưu tầm khoảng hơn 40.000 tài liệu, hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam được trưng bày có hệ thống, theo từng chuyên đề, học sinh Nguyễn Siêu không khỏi ngỡ ngàng trước những cống hiến to lớn của người phụ nữ đối với đất nước và xã hội. 

Shirra Trần An (HS Media Studies) đã phải thốt lên: “Đúng là giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Phụ nữ Việt Nam quá giỏi. Thời bình đảm đang, thời chiến anh dũng”.  

Còn Khánh Nam (HS Global Perspectives) thì vô cùng thích thú với buổi trải nghiệm tại Bảo tàng Phụ nữ: “Hôm nay em thấy rất vui, có nhiều điều mới mẻ quá. Lần đầu em được biết đến nghi lễ cưới của nhóm người Dao Đỏ lại nhiều thủ tục và cầu kỳ đến thế.” 

Tại điểm dừng chân kế tiếp - Bảo tàng Mỹ thuật - các bạn học sinh đắm chìm vào không gian trưng bày những tác phẩm mỹ thuật độc đáo, có giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho từng khuynh hướng, từng phong cách xuyên suốt các thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc. 

Ấn tượng nhất có lẽ là khu trưng bày 9 hiện vật tiêu biểu và có giá trị cao đối với nền mỹ thuật nước nhà, đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia. 

Cô Kealyn Spies, giáo viên bộ môn Media Studies cho rằng: “Những buổi học ngoại khóa thế này thực sự cần thiết, không chỉ giúp các em học sinh có trải nghiệm thực tiễn mà cũng tạo điều kiện cho các giáo viên có thêm kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên môn.”

Chuyến đi tới Bảo tàng Phụ nữ và Mỹ thuật không chỉ giúp các em vận dụng những kiến thức đã học và kỹ năng làm việc nhóm, tổng hợp tư liệu, mà còn giúp các em khám phá, tìm hiểu về việc hình thành nhiều quan điểm và tư tưởng trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.