HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ NGHỆ THUẬT GỐM SỨ

16:00 03/01/2024

Ngày 3/1/2023, học sinh khối 9 Nguyễn Siêu đã có chuyến đi tham quan học tập thực tế tại Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Văn Giang, Hưng Yên). Chuyến đi giúp các bạn trau dồi thêm kiến thức về làng nghề gốm truyền thống lâu đời cũng như được tự mình trải nghiệm quy trình hoàn thiện một sản phẩm gốm thủ công.

Tại Bảo tàng Gốm Bát Tràng, NS-ers không chỉ được tham quan không gian văn hóa lưu giữ tinh hoa của nghề gốm Việt Nam mà còn được các nghệ nhân tại đây hướng dẫn tỉ mỉ về lịch sử hình thành làng, quá trình làm gốm, các phương pháp nung gốm và tráng men, sấy gốm.

Sau khi được các anh chị hướng dẫn đoàn giới thiệu về lịch sử hình thàng làng và quá trình xây dựng Bảo tàng, học sinh khối 9 được chia thành 4 nhóm. Các bạn di chuyển đi tham quan các tầng của khu vực "Trụ Bàn Xoay" vốn được đặt theo tên của bàn xoay nặn gốm - vật dụng không thể thiếu đối với người nghệ nhân Bát Tràng.

Tầng 2 là nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc gốm sứ qua từng thời kỳ, bao gồm những thông tin thú vị về làng gốm Bát Tràng từ xưa đến nay, nhiều hiện vật có giá trị lịch sử vô giá với các mô hình giới thiệu phương pháp nung gốm cũng như các loại lò nung đã không còn được sử dụng rộng rãi.

Tầng 3 của bảo tàng là trung tâm nghệ thuật đương đại trưng bày các tác phẩm gốm độc đáo, sáng tạo. Các bạn học sinh có cơ hội được chiêm ngưỡng, thưởng thức các tác phẩm điêu khắc gốm sứ nghệ thuật đương đại vô cùng ấn tượng về các vĩ nhân trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.  
  
Tại Tầng 5 của bảo tàng là khu vực của Hương Sa Trà – Hương Sa Art House. Đây là không gian trà đạo và nghệ thuật điêu khắc ánh sáng ngoài trời, giúp khách thăm có thể tìm hiểu về một loại hình nghệ thuật mới mẻ hơn so với các sản phẩm gốm truyền thống. 

Trong không gian tầng G - khu vực trải nghiệm làm nghệ nhân nặn gốm, các bạn học sinh được tự tay thực hiện các công đoạn để tạo ra một sản phẩm gốm sứ. Quá trình và các bước tạo nên sản phẩm được nghệ nhân tại đây hướng dẫn trực tiếp và tỉ mỉ. Thành quả lần đầu tiên được trải nghiệm tự mình nặn đất, tạo hình và trang trí gốm được các bạn gói ghém cẩn thận để mang về.  

Qua chuyến đi này, NS-ers có cơ hội hiểu hơn về lịch sử làng gốm, về những vất vả, khó khăn của người lao động đằng sau những sản phẩm gốm đẹp mắt và tinh xảo. Từ đó, các bạn thêm tự hào với những giá trị truyền thống của dân tộc. Từ một chuyến đi ngắn, tình yêu, sự trân trọng và lòng tự hào về văn hóa dân tộc nước nhà được hàm dưỡng thêm trong trái tim học trò Nguyễn Siêu.