Ngày 11/3/2016, học sinh Khối 8 đã đến khu di tích lịch sử - văn hóa Đường Lâm để tìm hiểu về những xưa cũ còn lại và ẩn tàng trên cổng làng, đình làng Mông Phụ, đình Phùng Hưng, đền và lăng vua Ngô Quyền, những ngôi nhà cổ, giếng cổ…; tự tay làm sản phẩm từ rơm; thu hoạch khoai lang, hái rau, làm kẹo lạc, bánh tẻ…
Đi để hiểu, để yêu, để tự hào về những nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam hiện diện trong một ngôi làng cụ thể. Đi để rõ nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử, kiến trúc, giá trị của ngôi làng cổ ấy; để cộng thêm vào vốn hiểu biết lịch sử mĩ thuật Việt Nam giai đoạn thời Lê: kiến trúc đình làng, trạm khắc trang trí, điêu khắc; biết được cách thu hoạch nông sản và chế biến một số món ăn, sản phẩm truyền thống.
Đó là những gì các bạn đã được trải nghiệm trong ngày học tập tại di sản tích hợp liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Mĩ thuật - Địa lí - Công nghệ với chủ đề: “Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh”.
Trong hành trình khám phá ngôi làng “đá ong” này, học sinh được thực hành một loạt kĩ năng: quan sát, lắng nghe, ghi chép, tự tìm hiểu để đạt được mục tiêu học tập của các môn học; kĩ năng sử dụng những thiết bị điện tử thông minh để phục vụ học tập,… Các bạn cũng có một không gian rộng mở và thấm đẫm hồn quê để cảm thụ cái đẹp trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Việt Nam, từ đó vận dụng kiến thức của các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Mĩ thuật, Công nghệ để quảng bá, giới thiệu về nét đẹp văn hóa của Thăng Long – Hà Nội nói chung và của làng cổ Đường Lâm nói riêng.
Sau trải nghiệm, các bạn sẽ có giờ báo cáo/trình bày sản phẩm theo nhóm tại lớp và triển lãm tranh vẽ họa tiết trang trí hoặc kí họa hình dáng ngôi đình.
Anh Nhiên