Huy chương là phần thưởng cao quý được trao cho người chiến thắng. Đằng sau ánh sáng lấp lánh của những chiếc huy chương là cả một quá trình nỗ lực của vận động viên và sự ủng hộ của gia đình, người thân, bạn bè. Vận động viên Đàm Thanh Xuân, cô gái vàng của làng Wushu Việt Nam với câu chuyện về ánh sáng từ những tấm huy chương.
Trong căn phòng truyền thống của trường Nguyễn Siêu, cô giáo Nguyễn Thuý Yến và vận động viên (VĐV) Đàm Thanh Xuân nắm chặt tay nhau, ánh mắt sáng lên tình yêu thương. Cô Yến chia sẻ rằng, dù nhiều năm đã trôi qua, cô học trò Đàm Thanh Xuân giờ đã trưởng thành có gia đình riêng, làm việc tại Tổng cục Thể thao, nhưng mỗi năm vào các dịp Tết, ngày nhà giáo Việt Nam… Thanh Xuân và các bạn cùng lớp vẫn đưa gia đình riêng đến chúc mừng và thăm hỏi cô giáo chủ nhiệm cũ. Thời điểm thi đấu đỉnh cao của VĐV Đàm Thanh Xuân chính là ở giai đoạn chị đang học Trung học phổ thông Nguyễn Siêu. Khi ấy, Đàm Thanh Xuân đã xin bố mẹ cho mình vừa huấn luyện trong đội tuyển, vừa học tập tại một trường phổ thông ngoài trường bổ túc thể thao. Và trong rất nhiều sự lựa chọn, gia đình của Đàm Thanh Xuân và chị đã chọn trường Nguyễn Siêu. VĐV Đàm Thanh Xuân chia sẻ: “Ngoài những giờ tập ở đội tuyển hay đi thi đấu xa nhà ở nước ngoài, thì phần lớn thời gian của tôi là ở trường Ngyễn Siêu. Các thầy cô trong trường luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi để tôi có thể vừa học, vừa tập luyện mà vẫn có thể đảm bảo được chương trình học ở trên lớp. Sau những ngày đi thi đấu ở nước ngoài, tôi trở về trường, thì thầy Vĩnh – tôi vẫn gọi thầy bằng cái tên thân thương cho đến tận bây giờ là “ông Vĩnh”. Cách gọi này gần gũi hơn, cảm giác như là một gia đình bởi vì ông thật sự rất quan tâm đến tôi. Ông coi tôi như một người cháu. Và ông quý mến và dành nhiều sự động viên cũng như tạo mọi điều kiện cho tôi, ông gửi gắm tôi cho các thầy cô giáo bộ môn để dạy thêm, kèm thêm trong giờ nghỉ hoặc thời gian mà tôi rảnh để tôi có thể bổ sung và lấp các lỗ hổng kiến thức trong những lúc tôi đi thi đấu. Nhờ có như vậy thì đến lúc là thi cuối kì, tôi mới có thể đạt được điểm thi tốt nghiệp giống như các bạn.”
Có thể nói, VĐV Đàm Thanh Xuân không chỉ là niềm tự hào của thể thao Việt Nam, mà ở vai trò một học sinh, Đàm Thanh Xuân cũng là niềm tự hào của trường Nguyễn Siêu. Nói về cô học trò tài năng, xinh đẹp, nhà giáo Nguyễn Thuý Yến rất tự hào, cô nhận xét Đàm Thanh Xuân là một học sinh tự giác, tiếp thu nhanh và chăm chỉ. Sau những giờ phút luyện tập ở đội tuyển, hay thi đấu ở nước ngoài, ngay khi về trường, Thanh Xuân lại tập trung vào việc học. Cô Yến cho rằng, nếu không theo đuổi sự nghiệp VĐV chuyên nghiệp, Đàm Thanh Xuân sẽ có thể rất thành công trong con đường học vấn. “Lớp 12 là thời điểm mà Xuân phải đi thi đấu rất nhiều, và chắc chắn việc thi đấu cấp quốc gia đối với một VĐV phải là ưu tiên số 1. Nhưng khi đó, việc thi tốt nghiệp thì cũng vẫn phải ưu tiên, thế nên không chỉ cô chủ nhiệm, mà các thầy cô trong tổ bộ môn đã đuợc sự đồng ý của Ban giám hiệu, lên một cái kế hoạch để giúp Xuân sao cho vừa đi thi đấu đạt các thành tích cao, mà vẫn phải tốt nghiệp với thành tích xuất sắc” – Cô Yến chia sẻ.
Với VĐV Đàm Thanh Xuân, trường Nguyễn Siêu là ngôi nhà thứ hai, nơi tạo mọi điều kiện cho chị tiếp tục việc học tập. Niềm tin mà VĐV Đàm Thanh Xuân và gia đình đặt vào mái nhà Nguyễn Siêu ngay từ đầu đã trở thành một sự lựa chọn đúng đắn giúp Đàm Thanh Xuân tiếp tục theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.
“Với tôi, mái trường Nguyễn Siêu có rất nhiều những kỉ niệm đẹp, vô vàn những điều ấn tượng và sâu sắc. Một trong số đó thì chính là cô giáo chủ nhiệm, cô Yến của tôi, với tất cả những bạn của tôi, đặc biệt là năm lớp 11 và năm lớp 12. Cái kỉ niệm mà tôi nhớ nhất không bao giờ quên đấy là năm 2003, khi mà Việt Nam đăng cai tổ chức Sea games lần thứ 22 tại Hà Nội, thì lúc đó tôi cũng đại diện cho tuyển Quốc gia, khoác trên mình màu cờ sắc áo của Việt Nam và đi thi đấu. Khi tôi chuẩn bị bước vào trận thi đấu, thì vừa nhìn trên khán dài, tôi đã thấy rất đông các bạn và thầy cô ở trường đến để cổ vũ cho mình. Trước khi thi đấu 1, 2 tháng thì tôi hoàn toàn tập trung đầu tư vào tập huấn để thi đấu đạt thành tích cao nhất, nên tôi không có nhiều thời gian để trò chuyện với bạn bè hay là gặp thầy cô. Vậy nên trong khoảnh khắc nhìn lên khán đài hôm đó, sự xuất hiện của những gương mặt thân quen đã làm cho tôi cảm thấy rất xúc động và hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng, lúc đó, thầy cô, bạn bè và nhà trường đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, giúp cho tôi cảm thấy tự tin hơn trên sàn đấu, và tôi đã giành được thành tích tốt. Trong những năm tháng được học tập ở Nguyễn Siêu, tôi rất biết ơn cô Yến vì nhờ cô tôi mới cảm nhận được thế nào là câu nói “cô giáo là mẹ hiền thứ hai”. Cô cùng với các thầy giáo, cô giáo ở trường Nguyễn Siêu đã dìu dắt, yêu thương chúng tôi để chúng tôi có được ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng rằng các thế hệ học sinh Nguyễn Siêu sau này, hay con cái của chúng tôi cũng sẽ được trưởng thành, và được học tập tại một ngôi trường tốt như ngôi trường Nguyễn Siêu”.