Vừa qua, toàn bộ giáo viên Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Nguyễn Siêu đã tham dự lớp tập huấn Kỷ luật tích cực, hướng đến những phương pháp tiên tiến, hiện đại, nhân văn và có hiệu quả nhất trong việc tác động đến cảm xúc của trẻ...
Giảng dạy tại lớp tập huấn Kỷ luật tích cực, PGS.TS Lê Văn Hảo đã truyền tải đến toàn bộ giáo viên Trung học những tài liệu, quan điểm và phương pháp mới nhất của giáo trình nước ngoài đã được Việt hóa cho phù hợp hơn với các giá trị đạo đức truyền thống của nước ta. Theo đó, mục tiêu của lớp tập huấn hướng đến một người giáo viên nghiêm khắc với những nguyên tắc nhưng vẫn cởi mở, rộng lượng, vị tha và thấu hiểu.
PGS.TS Lê Văn Hảo tại lớp tập huấn Kỷ luật tích cực mùa hè 2019-2020
Có một quan điểm mới được đưa vào lớp tập huấn: chấp nhận mọi cảm xúc, nhưng không chấp nhận mọi hành vi. Với quan điểm này, học sinh được tôn trọng những gì thuộc về cá nhân của chúng như lối sống, suy nghĩ, trạng thái yêu ghét vui buồn..., nhưng khi những yếu tố cá nhân đó tác động đến hành vi thì tất cả vẫn phải nằm trong khuôn khổ.
Lớp học Kỷ luật tích cực, nơi đề cao kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu của mỗi giáo viên
Kỷ luật tích cực cũng nhấn mạnh một lần nữa vai trò quan trọng nhất của giáo viên không phải là chỉ trích, phê phán, nặng hơn nữa là trách phạt. Điều cốt tử trong giáo dục một học sinh là giúp chúng nhận ra lỗi lầm nhưng không làm chúng xấu hổ, nảy sinh tâm lý tiêu cực mà chỉ cho chúng những cách thức sửa lỗi, những biện pháp để tiến bộ hơn... Vì thế PGS.TS Lê Văn Hảo mới tâm đắc với lý thuyết: nói sao cho trẻ nghe và nghe sao cho trẻ nói.