SÁU NGÀY HÈ Ở XỨ MÂY CỦA GIA ĐÌNH NGUYỄN SIÊU

21:54 08/07/2025

Trong những ngày đầu tháng Bảy, đoàn cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu cùng những người thân đã thực hiện một hành trình khám phá đầy cảm hứng tại vùng đất Vân Nam - Trung Quốc, với những điểm đến nổi bật: Đại Lý, Lệ Giang và Shangri-La.

Không đơn thuần là một chuyến nghỉ hè, hành trình từ ngày 3/7 đến 8/7/2025 được tổ chức như một field trip đặc biệt dành cho những người làm giáo dục, mang đậm tinh thần học hỏi - kết nối - mở rộng tri thức. Với lịch trình dày đặc trải nghiệm, chuyến đi trở thành cơ hội quý giá để các thầy cô “học qua đi, học qua thấy, học qua sống” - đặc biệt đối với những giáo viên giảng dạy các môn thuộc khối khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật.

Dạo bước giữa những lớp trầm tích văn hóa

Dừng bước trên những con đường lát đá bên dưới Ngũ Hoa Lầu - Thành cổ Đại Lý

Các cô giáo "đi đến nơi có gió" bên Hồ Nhĩ Hải yên bình. Hồ nằm ở phía đông thành cổ Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nổi tiếng với không gian tĩnh lặng, bầu không khí trong lành cùng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Sa Khê cổ trấn là ngôi làng cổ kính nghìn năm tọa lạc tại phía đông nam của huyện Kiếm Xuyên, tỉnh Vân Nam. Sa Khê là điểm trung chuyển trên con đường Trà - Ngựa xưa, một trong số những ngôi làng văn hóa lâu đời và tuyệt đẹp được bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay. Trong ảnh: Thầy cô "checkin" quán cà phê có gió và sân khấu cổ.

Từ phố cổ Đại Lý yên bình, Hồ Nhĩ Hải biếc xanh soi bóng núi - mây - trời, tới Sa Khê cổ trấn gắn với truyền kỳ "Trà Mã cổ đạo", đoàn có dịp tiếp cận những lớp văn hóa bản địa phong phú của các dân tộc Bạch, Nạp Tây, Tạng… Không gian kiến trúc đặc trưng, ngôn ngữ, tín ngưỡng và tập quán sống đã mở ra những cánh cửa mới để hiểu sâu hơn về sự đa dạng và bền bỉ của văn hóa Á Đông.

Dưới chân Bảo tháp Shangri-la, hay còn có tên gọi là Bạch Tháp (Shangri-la Inner Harmony Stupa of Pagoda) - kiến trúc bao gồm bảo tháp bên ngoài cao đến 108 mét và có nền móng rộng tới 4.900 mét vuông, trong khi bảo tháp bên trong cao đến 33 mét. 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên ngoài Tu viện Tùng Tán Lâm của Phật giáo dòng Mật Tông Tây Tạng. Tu viện được xây dựng trên độ cao hơn 3.300m, rộng hơn 30ha do vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala - một cung điện nằm ở Lhasa, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc vào năm 1679. Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng sự tàn phá của thời gian, tu viện Tùng Tán Lâm đã có không ít lần bị phá hủy rồi lại khôi phục. Dù như vậy, nơi đây vẫn là biểu tượng tự hào của người dân tộc Tạng sống tại Vân Nam.

Tại Bạch Tháp và Tu viện Tùng Tán Lâm ở Shangri-La - nơi mệnh danh là “Tiểu Potala”, không chỉ vẻ đẹp kiến trúc và nghi lễ Phật giáo Tây Tạng khiến người tham quan choáng ngợp, mà còn là trải nghiệm sâu sắc về niềm tin, sự tĩnh tại và kết nối tinh thần con người với vũ trụ - điều vô cùng quý giá trong hành trình giáo dục nhân bản mà Nguyễn Siêu luôn theo đuổi.

Địa lí - Lịch sử và những bài học sống động

Các thầy cô đội mưa để chinh phục Núi Tuyết Ngọc Long - một trong những ngọn núi cao nhất thế giới, với chiều cao hơn 5.000 mét và có diện tích khoảng 960 km2 trải dài từ Bắc xuống Nam. Trong đó, Phiến Tử Đẩu - đỉnh cao nhất của núi đạt đến 5.596 mét được tuyết bao phủ quanh năm. tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, làm nổi bật vẻ đẹp hoang sơ và mênh mông tại vùng núi này.

Mỗi điểm dừng chân đều như một phòng học ngoài trời khổng lồ, nơi các thầy cô không chỉ ngắm nhìn mà còn trực tiếp đối thoại với thiên nhiên và lịch sử. Dưới chân Ngọc Long Tuyết Sơn, giữa bầu không khí loãng của cao nguyên và trong cơn mưa giữa hè, đoàn vừa được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của băng tuyết, vừa tìm hiểu về địa chất đặc biệt và hiện tượng phản ứng cao nguyên - những kiến thức gắn liền với môn Sinh học, Địa lí và Thể chất.

Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam, Lệ Giang cổ trấn được vinh danh là một trong tứ đại cổ trấn Trung Quốc, Lệ Giang cổ trấn mang bầu không khí cổ kính, cùng kiến trúc cổ xưa thuần túy. Đặc biệt, cổ trấn với tuổi đời 800 năm còn được UNESCO công nhận là một trong những Di sản văn hóa thế giới.

Ngang qua những tấm bia ký văn tự Đông Ba, các giáo viên Ngữ văn, Lịch sử và Mĩ thuật được tận mắt nhìn thấy hệ thống biểu tượng cổ, hiểu thêm về tư duy tạo hình và truyền thông văn hóa của người Nạp Tây - một trải nghiệm không sách vở nào có thể thay thế.

Gắn kết nội bộ - Khơi nguồn cảm hứng

Bên cạnh giá trị học thuật, chuyến đi còn là cơ hội gắn kết nội bộ, nuôi dưỡng tình cảm đồng nghiệp, giúp các thầy cô hiểu và tin tưởng nhau hơn qua từng khoảnh khắc cùng chia sẻ, cùng thưởng trà dưới mái ngói cổ Lệ Giang trong một chiều mát dịu, rơi nước mắt với “Lệ Giang thiên cổ tình” hay cùng ngồi dưới cơn mưa không ngớt, xúc động thưởng thức, chiêm ngưỡng “Ấn tượng Lệ Giang” - show diễn thực cảnh giữa núi tuyết và sương khói và nước trời, nơi thiên nhiên và con người cùng tạo nên một bản hợp xướng sống động, đầy tinh thần cống hiến và tự hào dân tộc.

Đoàn ghé thăm Công viên Hắc Long Đàm - công trình được xây dựng vào những năm 1737, trải qua gần 3 thế kỷ với vô số thăng trầm và những biến động lịch sử, nơi đây được xem là minh chứng rõ ràng nhất cho thời kỳ hưng thịnh, phồn vinh của Lệ Giang cổ trấn.

Có những buổi tối, cả đoàn đi bộ trong thành cổ lung linh đèn lồng, như lạc vào giấc mơ cổ tích. Có buổi sáng trời trong ở Hắc Long Đàm, mặt hồ lặng lẽ soi bóng Ngọc Long Tuyết Sơn, khiến ai cũng như chậm lại một nhịp, lắng nghe chính mình.

Trở về - mang theo những câu chuyện để kể và bài học để dạy

Trở về từ hành trình Vân Nam, mỗi thầy cô Nguyễn Siêu không chỉ có thêm những tấm ảnh đẹp, mà quan trọng hơn là thêm nhiều chất liệu sống động để đưa vào bài giảng, thêm những liên hệ gần gũi giữa kiến thức và đời sống thực tiễn, giữa sách vở và thế giới rộng lớn ngoài kia.

Sau tất cả, chuyến đi không chỉ là kỳ nghỉ. Đó là một lớp học khổng lồ không tường vách, nơi mỗi thầy cô trở về với bản thể của mình - một người học không tuổi, tò mò và khát khao hiểu biết. Và chính sự học ấy sẽ dần thấm vào bài giảng, vào cách thầy cô nhìn học trò, nhìn thế giới, nhìn chính mình.

Chuyến đi cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, người làm giáo dục không ngừng học hỏi - và đôi khi, học tốt nhất là khi ta bước ra khỏi lớp học, ra khỏi vùng an toàn, để trở thành chính những người học suốt đời.

Xin cảm ơn Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường đã tạo điều kiện cho hành trình này. Và xin cảm ơn chính mỗi người trong đoàn - những người bạn đồng hành đã làm nên một mùa hè ý nghĩa.

Chuyến đi khép lại trên một chuyến bay đặc biệt - khi tất cả hành khách đều là thành viên Nguyễn Siêu và gia đình - như một “chuyên cơ giáo dục” trên hành trình mở rộng tri thức, khơi nguồn cảm hứng và gắn kết cộng đồng.