Nhớ nhà thơ Y Phương

09:24 18/02/2022

Một cô giáo dạy Văn, người đã từng được tiếp xúc, trò chuyện và thấu cảm với một Y Phương của miền cao - có những chia sẻ đầy cảm động để chúng ta thêm một lần tưởng nhớ đến nhà thơ.

Thầy trò chúng tôi được biết đến nhà thơ Y Phương là điều may mắn, được gặp gỡ và lắng nghe ông trò chuyện là điều quý giá. Ấn tượng về ông sau mỗi lần được gặp là sự giản dị và chân thật; ấm áp và hiền hậu, nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Mùa này, hoa đào và hoa mận đang khoe sắc khắp vùng Đông Bắc, lộc non chồi biếc đang chào đón mùa xuân trên mảnh đất Cao Bằng. Y Phương trở về với nơi chôn rau cắt rốn vào mùa hoa thật đẹp, ông như một bông hoa rừng góp phần làm nên vẻ đẹp của mùa xuân quê hương.



Nhà thơ Y Phương trong một lần trò chuyện, chia sẻ chuyện văn thơ và cuộc đời với giáo viên, học sinh trường Nguyễn Siêu

Nhà thơ Y Phương là “người nhà” của giáo viên và học sinh của trường Nguyễn Siêu bởi đứa con gái đầu lòng trong bài thơ “Nói với con” của ông hiện đang phụ trách Nội san Tháp Bút của nhà trường, hai cô cháu gái của ông là học sinh trường Nguyễn Siêu. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ Y Phương luôn là khách mời đặc biệt trong các Hoạt động thường niên “Giao lưu và gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ” được tổ chức tại trường. Nếu không bận vì công tác, ông chưa bao giờ từ chối lời mời của thầy trò chúng tôi. Trong buổi tọa đàm “Những nhà thơ chiến sĩ” ngày 02/4/2021 tại trường Nguyễn Siêu, ông đã gặp gỡ, trò chuyện cùng học sinh lớp 9 và hẹn các thầy cô giáo sẽ quay trở lại để trò chuyện, chia sẻ với cháu ngoại của mình và những học sinh lớp 9 năm học 2021-2022. Thế nhưng lời hẹn chưa thực hiện được…

Lần đầu tiên được nghe nhà thơ Y Phương chia sẻ, chúng tôi được biết rõ hơn ai hết về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Nói với con”: “Khi cuộc sống có quá nhiều khó khăn, vì cơm, áo, gạo, tiền, nhiều người đã đánh mất mình, tôi đã nghĩ chỉ có văn hóa của dân tộc mới có thể là chỗ “vịn” tốt nhất”. Chính vì thế mà nhà thơ khuyên con: 

“Người đồng mình tuy thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.”

Cũng trong những buổi trò chuyện cùng với thầy trò nhà trường, chúng tôi được biết đến văn hóa của người Tày vùng đất Cao Bằng, từ vẻ đẹp của cuộc sống lao động gắn bó hòa hợp với thiên nhiên đến vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi; từ cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả nhưng luôn ấm áp nghĩa tình đến ý chí và nghị lực phi thường, ước mơ và hoài bão cao lớn của con người ở miền đất cổ tích này, hiểu được vì sao:

“Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”

Nhà thơ Y Phương đã giữ gìn và quảng bá vẻ đẹp văn hóa dân tộc với tình yêu và niềm tự hào sâu sắc. 



Như một người ông trong vòng tay cháu nhỏ         

Y Phương là một người lính bước ra từ cuộc chiến tranh chống Mĩ, là một nhà thơ chiến sĩ. Vì thế ông là một trong những nhân chứng của lịch sử đấu tranh giữ nước đầy vất vả, gian lao nhưng vô cùng anh dũng, kiên cường. Qua ông, chúng tôi được biết đến Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, … Ông gọi Phạm Tiến Duật là “Bảo tàng sống về con đường Trường Sơn” huyền thoại. Ông chia sẻ về những khó khăn, gian khổ, những mất mát, hi sinh của người lính, của dân tộc trong cuộc chiến tranh. Chúng tôi xúc động vì những giọt nước mắt nhòe cặp kính lão, ông nghẹn ngào khi nhà thơ Nguyễn Duy đọc bài thơ “Nghe tắc kè kêu trong thành phố”: 

“Người bạn tôi không về tới nơi này

anh gục ngã bên kia cầu xa lộ

anh nằm lại trước cửa vào thành phố

giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh”

Nhà thơ Y Phương đã nói với những giáo viên tuổi trẻ chúng tôi, những người chưa từng biết mùi khói bom đạn chiến tranh, về giá trị của hòa bình, của nền độc lập, nhắc nhở các cháu học sinh cố gắng học hành để xứng đáng với sự hi sinh của cha anh đi trước. Y Phương gửi những trăn trở, mong mỏi của một người lính vào thế hệ tương lai một cách nhẹ nhàng với đôi mắt hiền từ, giọng nói thủ thỉ, tâm tình và nụ cười hiền hậu. 

Nhà thơ Y Phương giống như một đóa hoa rừng giản dị, hương sắc của đóa hoa ấy đã góp phần tô điểm cho vườn hoa cuộc đời. Thầy trò trường Nguyễn Siêu chúng tôi thật hạnh phúc và may mắn vì đã được gặp gỡ và trò chuyện cùng ông.

Hà Nội, ngày 10/2/2022