Sáng 26/4/2025, hòa cùng không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu đã tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc. Trong đó, một trong những điểm nhấn đặc sắc là chung kết cuộc thi "Nhân vật trong sách bước ra cuộc đời".
Mỗi tiết mục được học sinh dàn dựng không chỉ là một màn hóa thân, mà còn là hành trình sống cùng nhân vật - sống cùng lịch sử, văn học, bản sắc dân tộc và những giá trị vượt thời gian. Khối 6 mở đầu với hóa thân của Ông lão đánh cá trong truyện cổ tích Nga Ông lão đánh cá và con cá vàng. Từ chiếc áo rách, dáng vẻ khắc khổ cho đến nhân vật cá vàng, mụ vợ tham lam và binh lính hống hách, tất cả đã tái hiện sinh động thân phận yếu thế và bài học về lòng biết ơn, công lý trong cuộc sống.
Tiếp đó, hình ảnh cậu bé Lượm - thiếu nhi anh hùng giữa những ngày khói lửa Huế - hiện lên sống động qua từng bước chạy thoăn thoắt, nụ cười trong trẻo, gói ghém lý tưởng tuổi nhỏ vì Tổ quốc.
Đến phần thi của khối 7, câu chuyện Thầy bói xem voi được tái hiện dí dỏm nhưng sâu sắc, nhắc nhở bài học về tư duy toàn diện và sự tôn trọng khác biệt trong nhận thức.
Trong khối 8, Thuyền trưởng Nemo (Hai vạn dặm dưới đáy biển) hiện ra đầy bản lĩnh giữa đại dương kỳ bí, còn Bác Toàn Nha (Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ) phê phán thói hình thức, háo danh, nêu bật khát vọng sống chân thực, liêm chính. Vua Quang Trung, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, trong chiến bào đỏ lửa, dẫn dắt khán giả trở về mùa xuân đại thắng Kỷ Dậu 1789, thổi bùng lòng tự hào dân tộc.
Khối 9 mang tới bản lĩnh trí tuệ với Hamlet - chàng hoàng tử Đan Mạch day dứt và sâu sắc, và Sherlock Holmes - biểu tượng bất tử của óc suy luận sắc bén, tinh thần khám phá.
Khối 10 đưa khán giả tới không gian huyền thoại Tây Nguyên qua sử thi Đăm Săn và Nữ thần Mặt Trời, thắp sáng khát vọng chinh phục, ước mơ tự do của đồng bào Ê-đê.
Khối 11 đưa những nỗi đau nhân thế vào sân khấu với Chí Phèo và Thị Nở - hai thân phận lầm than trong xã hội cũ, nhưng vẫn giữ vẹn nguyên ánh lửa nhân tính và lòng nhân ái.
Và khối 12 khép lại chương trình với hai hình tượng đối lập mà giàu tính biểu tượng: Chị Võ Thị Sáu - người con gái Đất Đỏ đã ngẩng cao đầu ra pháp trường, và Xuân Tóc Đỏ - chân dung biếm họa châm biếm xã hội thực dân nửa mùa trong Số đỏ.
Các nhân vật nối tiếp nhau bước ra từ trang sách, bước vào lòng người, đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ xúc động đến tự hào, từ suy ngẫm đến thức tỉnh. Như MC đã khép lại chương trình bằng một lời nhắn đầy ý nghĩa: "Những nhân vật hôm nay không chỉ sống trong trang sách - mà sống trong mỗi chúng ta. Để mỗi bạn đọc, mỗi học sinh soi vào nhân vật, soi vào lịch sử, soi vào cuộc đời - và trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn chính mình."