Một ngày ở Đường Lâm không chỉ là đặt chân đến mảnh đất địa linh nhân kiệt của hai Vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, của những mái đình hàng trăm năm tuổi mà còn là cơ hội để học sinh biết làm bánh gai, bánh tẻ hay lội ruộng hái rau…
Cách trung tâm Thủ đô chỉ 40km, làng cổ Đường Lâm tuy cũng đã “lên phố” khá nhiều nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống trong kiến trúc, sinh hoạt và đời sống tâm linh. Chương trình trải nghiệm sáng tạo đã đưa các em khối 8 CIE về với một miền quê vừa đẹp vừa độc đáo, lại bổ sung được nhiều kiến thức liên môn văn học, nghệ thuật, lịch sử, công nghệ, giáo dục công dân.
Chỉ trong khoảng 5 giờ đồng hồ ngắn ngủi, học sinh đã được tận mắt chiêm ngưỡng đình làng Mông Phụ với những kiến trúc vì kèo đặc trưng của thế kỷ 16, tham quan đền thờ hai Vua Phùng Hưng, Ngô Quyền gắn cùng những truyền thuyết lịch sử oai linh, đi dưới rặng duối gốc to hàng mấy người ôm, tương truyền là nơi buộc voi, buộc ngựa khi hai Vua đánh giặc, thậm chí được trải nghiệm... bữa cơm tại ngôi nhà 300 năm tuổi của quan Đốc học...
Bên cạnh những bài học lịch sử, các em còn được trải nghiệm thực tế khi tự xắn tay vào quấy bột, trộn nhân để gói bánh tẻ, bánh gai… Nhiều “đặc sản” Đường Lâm như chè lam, kẹo dồi… cũng khiến các em ngạc nhiên, thích thú vì hương vị đồng quê. Đó là những thức quà khác hẳn với trà sữa, đồ nướng BBQ, KFC hay chocolate của ngày 14/2…
Trước khi chia tay, Đường Lâm còn tặng mỗi em một túi quà quê là ngô non, rau rươi do chính tay các em tự thu hoạch. Một thoáng e dè xuất hiện khi những đôi giày thời thượng chợt lún xuống bùn, nhưng khoảnh khắc ấy qua nhanh, nhường chỗ cho những nụ cười ngoác miệng và bàn tay thoăn thoắt bẻ ngô, hái cải cúc…
Tham quan đình Mông Phụ - ngôi đình có kiến trúc vì kèo độc đáo xây dựng từ thế kỷ 16.
Một góc đền thờ Ngô Quyền, nơi lưu giữ dấu tích của bãi cọc Bạch Đằng oanh liệt năm xưa.
Bên trong ngôi nhà hơn 300 năm tuổi của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính, một trong những dòng họ thành danh nhất của làng cổ Đường Lâm.
Trải qua các công đoạn làm bánh tẻ.
Thu hoạch rau tại vườn.