"Này đất đáng yêu phong vị đẹp..."

16:05 29/09/2016

Tin Trung học cơ sở - Học sinh toàn Khối 8 đã tham dự hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại làng cổ Bát Tràng, cùng nghe giới thiệu về lịch sử làng và nghề; được hướng dẫn tạo dáng và trang trí sản phẩm gốm theo ý thích, được tìm biết và phân biệt đất sét với các loại đất khác, hiểu về quy trình tạo ra các sản phẩm gốm sứ... và triển lãm sản phẩm tại lớp!

Tản bộ qua những lối ngõ rêu phong bức tường nâu cũ, ngắm nhìn những mái nhà xưa, những dấu tích tịch lặng, các cô cậu tuổi teen thời @ bước trên con đường quá khứ được gìn giữ khá nguyên vẹn để tới ngôi đình làng Bát Tràng nhìn ra sông Hồng lộng gió... Hít đầy lồng ngực một cảm giác tiêu dao khó có trong những ngày thường bận bịu giữa lòng thành phố tấp nập, thày trò cùng bắt đầu một trải nghiệm mới mẻ trên hành trình tưởng đã quá cũ xưa.

Người coi đình là một cụ ông tóc đã bạc, dáng đã còng nhưng vô cùng minh mẫn khi nhớ tường tận từng chi tiết trong lịch sử ngôi làng. Ông say sưa giới thiệu về quê hương mình, về văn hóa đình làng riêng có của Việt Nam ta với tràn ngập tình yêu và niềm tự hào. Tự hào mà không khoa trương, kẻ cả. Tự hào mà vẫn có cái khiêm cung của bậc trưởng lão hiểu đời của ngôi làng nghề và cũng là ngôi làng khoa bảng danh tiếng ven đô.

Làng Bát Tràng xưa kia được hình thành cùng với cuộc dời đô của vua Lý Công Uẩn từ Ninh Bình ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay). Một nhóm thợ trong làng nghề chuyên làm gạch từ Bái Đính đã phò tá vua về kinh đô mới, tự chọn đất, lập ấp và tiếp tục nghề xưa để góp phần xây dựng Hoàng thành (năm 1010). Khi đó, nơi đây là một vùng đất rộng 30ha, trên đó có 72 quả gò đất sét trắng - một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Bởi thế, theo chân những người thợ nung gạch, những người thợ gốm sứ ở Yên Mô, Yên Thành, Ninh Bình cũng tới đây. Khi mới đến lập nghiệp ở vùng này, họ đặt tên cho quê mới của mình là Bạch Thổ Phường (phường đất trắng). Khi công việc sản xuất gốm đã ổn định, người dân ở đây đã đổi tên Bạch Thổ Phường thành Bát Tràng Phường, ý nói là Phường có trăm lò bát. Cuối cùng họ mới đổi tên thành Bát Tràng (nơi làm bát).

Ở làng gốm này, mọi lứa tuổi đều có công ăn việc làm, ít thấy trẻ em chạy ngoài đường hoặc trai tráng ngồi chơi bê tha, các cụ già giỏi nghề, làm việc cần mẫn bên bàn tạo mẫu hay bên lò nung đang rừng rực lửa. Phụ nữ thì vuốt gốm, phơi gốm, vào lò… mỗi công đoạn sản xuất đòi hỏi nhiều thao tác, người thợ cần có trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao để cho ra được những sản phẩm là kết tinh của sức lao động cần cù, sự khéo tay và đầu óc thẩm mỹ. Bằng mọi cách để giữ lấy nghề và di sản quý của cha ông, họ ra sức sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật tinh túy và sống động.

Bát Tràng
 

Bên cạnh đó, họ chào đón và trân trọng trao cho thế hệ trẻ những hiểu biết về nghề tổ của họ. Hoạt động học tập liên môn Mĩ thuật - Khoa học Tự nhiên với chủ đề “Gốm trong đời sống người Việt” của học sinh Khối 8 Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu tại đây chính là minh chứng cho nỗ lực gắn kết việc dạy học với các làng nghề di sản, cho học sinh có được những ấn tượng thực sự sâu sắc khi được tận tai nghe, tận mắt nhìn người thợ gốm hướng dẫn "vuốt tay be chạch", tự tạo dáng sản phẩm gốm nhỏ bằng tay trên bàn xoay...

Đã có những tiếng cười phấn khởi, những ánh nhìn chăm chú, những nỗ lực cá nhân và đồng đội toát mồ hôi và quần áo lấm bùn để thực hành phần việc cơ bản nhất của người làm gốm... Cả tiếng trầm trồ kinh ngạc vì vẻ tráng lệ bất ngờ khi các bạn khom người chui vào không gian bên trong lò bầu - một trong các loại lò truyền thống ở làng - nơi được bao trùm bởi một bầu tường gạch bóng lên óng ánh dưới sức nóng của chiếc lò truyền đời. Những phát hiện Vật lý, Hóa học như một lần nữa lại bật ra từ chính thực tế hiển hiện trước mắt.

Trở lại tuổi thơ với phần tô tượng, thực hành phối màu hòa sắc, tạo hình họa tiết, hoa văn trang trí..., các bạn đã mang sản phẩm về để chuẩn bị cho giờ học tại lớp sau đó. Dưới sự dẫn dắt, gợi mở đầy sáng tạo, giờ học môn Mỹ thuật 8 không chỉ ôn lại những hiểu biết đã có trong chuyến đi mà còn diễn ra trong trải nghiệm của các "nhà giám tuyển nghệ thuật" nhí vô cùng công bằng, khách quan trong việc xếp loại, trưng bày các tác phẩm trang trí, phối màu hoà sắc của chính lớp mình. Rồi cũng chính là các bạn trở thành những người thưởng lãm, bình luận và rút ra những bài học thiết thực gắn với đời sống hàng ngày. Chắc chắn các bạn sẽ ý thức hơn mỗi khi đứng trước các lựa chọn phối đồ, sắp đặt... Và tự bồi dưỡng cho mình những hiểu biết về khoa học, những kiến thức, kĩ năng thẩm mỹ ứng dụng đắc lực đối với mỗi người!

(Video xem tại đây album ảnh xem tại đây!)

An Na