Lịch sử nước Việt từ hàng ngàn năm trước, trải qua thăng trầm thời đại, từ binh lửa áp bức tới độc lập, tự do và những dấu ấn thành tựu của nền hòa bình hôm nay... - tất cả đã được các bạn học sinh Khối 10 tái hiện một cách mãn nhãn trên âm hưởng tự hào trong buổi sinh hoạt dưới cờ của tháng 4 năm 2019.
Thầy cô và các bạn học sinh của trường Skals và Nykobing (đều tới từ Đan Mạch trong kỳ trao đổi học sinh 2019) bất ngờ được dự một tiết Lịch sử Việt Nam do chính những người bạn Nguyễn Siêu dàn dựng, trong một giờ sinh hoạt đầu tuần của học sinh Nguyễn Siêu.
Sau bài hát tự hào “Dòng máu Lạc Hồng” kể về sức mạnh đã được hun đúc, dưỡng truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác không thể phai mờ, là niềm tin bao la về truyền thống và lịch sử của con cháu nhà Rồng Tiên, các bạn đã bước vào hoạt động chính được diễn tả bằng chuỗi hoạt cảnh mang tên “Kí ức thời gian”.
Chuỗi hoạt cảnh này đã giúp các bạn học sinh cùng nhau nhìn lại những thời kì, những bước chuyển mình của xã hội và con người Việt Nam, từ thời nguyên thuỷ, Văn Lang - Âu Lạc, Thời Bắc thuộc, Thời phong kiến, Thời kì kháng chiến chống Pháp (Pháp thuộc), Kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước cho tới thời đại ngày nay.
Tháng 4 cũng là tháng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975. Các bạn đã diễn tả thời kì kháng chiến chống Mỹ bằng những giai điệu tự hào... Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người.
Sau chiến thắng mang tính thời đại 30/4/1975, Việt Nam bước vào thời kì thống nhất và xây dựng đất nước. Nhân dân cả nước cùng hoà vào không khí xây dựng đất nước với mong muốn xoá đi những tàn tích của chiến tranh và đưa đất nước đi lên, hoà vào dòng chảy thời đại cùng thế giới. Với những nền tảng đã xây dựng được trong thời kì trước, Việt Nam bước vào thế kỉ 21 với mong muốn xây dựng một đất nước phát triển phồn vinh.
*
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi / Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. “Cái ngày xửa ngày xưa” không chỉ là những câu chuyện cổ tích mẹ ru con ngủ, đó còn là chiều dài thời gian, là bề dày lịch sử, là sự lớn mạnh và đi lên của dân tộc. Đất nước đổi thay từng ngày, từng thế hệ, bằng nỗ lực và cống hiến. Để chúng ta được tự hào cất lên hai tiếng Việt Nam, để lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên bản đồ thế giới, tất cả được đánh đổi bằng xương máu và nước mắt của thế hệ ông cha đi trước.
Bởi vậy, nhớ về tổ tiên và hướng về cội nguồn, ôn lại lịch sử và biết ơn những hi sinh xương máu của cha ông trở thành một truyền thống và nét đẹp trong sinh hoạt học đường hôm nay.