Chiều 2/4/2021, cô trò khối 9 Nguyễn Siêu đã đón một vị khách mời đặc biệt, đó là nhà thơ Y Phương - một nhân chứng sống bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, tác giả của bài thơ “Nói với con” trong chương trình Ngữ Văn 9, tập 2.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những kí ức về cuộc chiến đấu oanh liệt và đặc biệt là những mất mát đau thương mà nó để lại chưa bao giờ bị lãng quên trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đối với những người đã từng đi qua cuộc chiến, thì chiến tranh không chỉ là lịch sử, không chỉ là một chuyện để kể lại cho thế hệ hậu sinh, mà chiến tranh, nó là máu thịt, là mất mát, hi sinh, là những giọt nước mắt hạnh phúc của ngày đoàn tụ, thấm đẫm trên những trang văn và trong suốt cả cuộc đời...
Nhà thơ Y Phương trò chuyện trong buổi tọa đàm tại Trường Nguyễn Siêu
Tọa đàm với chủ đề “Miền kí ức của nhà thơ, nhà văn chiến sĩ” được các cô giáo Tổ Ngữ Văn THCS tổ chức với mong muốn để các con học sinh và thầy cô có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ của thế hệ cha ông về một thời oanh liệt đã qua, hiểu hơn về cuộc sống, lí tưởng, suy nghĩ, tình cảm của những người đã đi qua cuộc chiến.
Chiến tranh là mất mát, là đau thương. Nhưng cũng từ trong bom đạn và khói lửa chiến tranh, một dân tộc đã hiên ngang đứng dậy, sức mạnh của lòng yêu nước đã làm nên những trang sử vẻ vang khiến cả thế giới phải nghiêng mình khâm phục, một dân tộc anh hùng… Văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ thực sự là vũ khí tinh thần có sức mạnh to lớn trong việc khơi dậy lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, ý chí chiến đấu, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của mỗi người, cũng như toàn dân tộc Việt Nam. Các tác phẩm thời kì này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, mà còn là một hiện tượng nghệ thuật lớn, đặc sắc, là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có nhiều thành tựu xuất sắc trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam.
Những chi tiết trong bài thơ "Nói với con" được chính tác giả chia sẻ kĩ càng
Trong chương trình Ngữ Văn lớp 9 học kì 2, học sinh được tiếp cận tìm hiểu bài thơ “Nói với con”. Trong phần tìm chung về tác phẩm, thông tin về hoàn cảnh sáng tác rất ngắn gọn, chỉ đề năm sáng tác 1980. Nhân buổi tọa đàm này, nhà thơ Y Phương đã có dịp chia sẻ kĩ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ: những tháng ngày hậu chiến gian khổ, vừa bước ra khỏi chiến tranh chống Mĩ, tái thiết đất nước, những vết thương chưa kịp lên da non, nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc lại phải gồng mình chống lại cuộc xâm lăng của quân bành trướng. Trong hoàn cảnh ấy, là một người lính trở về miền biên ải quê mẹ, nhà thơ đã trải lòng mình để viết “Nói với con” cũng là để nói với chính mình, về ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc và hun đúc bản lĩnh làm người.
Những điều ông chia sẻ từ chiêm nghiệm suốt cuộc đời sống chết với thơ ca, yêu văn chương hơn chính bản thân mình; đầy trăn trở, tha thiết với văn hóa dân tộc, về giá trị của “căn cước” dân tộc - chính là ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc ấy khiến người nghe thấm thía, xúc động. Đó cũng là mảng chủ đề rất đáng lưu tâm trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ của thế hệ trẻ ngày nay nói chung và trong môi trường giáo dục quốc tế tại trường Nguyễn Siêu nói riêng.
Với các bạn học sinh yêu môn Văn, đây là buổi học tập thật sự đáng quý
Những buổi tọa đàm như thế này là cơ hội quý mà các thầy cô giáo Nguyễn Siêu luôn nỗ lực để dành tặng các con học sinh, không chỉ với mong muốn để các con được bồi đắp hiểu biết về những kiến thức lịch sử - văn học trong chương trình trên lớp mà còn được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi những người là chứng nhân lịch sử nay không còn nhiều dịp để lớp hậu sinh thế hệ thứ ba được gặp mặt và trò chuyện trực tiếp.
Nhà thơ, tập thể giáo viên và học sinh đại diện các lớp chụp ảnh lưu niệm sau tọa đàm
Trân trọng cảm ơn nhà thơ đã đến với các con học sinh và sẻ chia bằng cả tấm lòng.
TIN LIÊN QUAN
>>> Giao lưu với nhà thơ Y Phương