Phá bỏ quan niệm âm nhạc, mĩ thuật là "môn phụ", những giờ học về nhạc cụ dân tộc, vẽ trang trí nón lá của học sinh Trung học cơ sở đã trở nên hấp dẫn, bổ ích khi cả thầy và trò đều dành tâm hồn cho nó...
Giờ học âm nhạc của lớp 9IG1S2 biến thành một buổi hòa tấu của giai điệu bài "Inh lả ơi" và nhạc cụ tre lắc. Không chỉ được học cách sử dụng các thanh tre để tạo ra âm thanh trong trẻo, học sinh còn có thêm kiến thức về sự ra đời của loại nhạc cụ thân vang rất đỗi bình dị này. Đó là dụng cụ trỉa ngô, làm nương của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc được cải tiến để phục vụ thú thẩm âm.
Học sinh khám phá và tập sử dụng nhạc cụ tre lắc
Còn lớp 7VI1 thì sôi nổi trong giờ mĩ thuật với nội dung vẽ tranh trên nón lá. Từng nhóm học sinh sẽ hoàn thành sản phẩm của mình với chiếc nón dân tộc, màu nước và quan trọng nhất là ý tưởng để có thể thuyết trình trước các bạn và giáo viên.
Trang trí nón lá và thuyết trình sản phẩm của nhóm
Nhờ những giờ học mang tính trải nghiệm, sáng tạo, học sinh đã hứng thú hơn, trách nhiệm hơn với âm nhạc, mĩ thuật, và thay vì phải vất vả, khiên cưỡng để hoàn thành tiết học, các em đã thực sự cảm thấy đây là món ăn tinh thần được chế biến ngay tại nhà trường.