Tận tay chạm vào những viên đất sét, cao lanh hòa trộn cùng nước để tạo hình những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, các bạn HS Khối 8 đã vừa trải qua hoạt động liên môn mang tên "GỐM TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT" tại làng gốm cổ Bát Tràng.
Bên cạnh việc tạo dáng đồ vật trên bàn xoay, các bạn còn được tô màu và tạo họa tiết cho các sản phẩm gốm theo ý thích, đi thăm không gian làng cổ, tham quan lò bầu và cùng nhau chơi các trò chơi dân gian vui nhộn như kéo co, đập niêu đất...
Sử dụng quy trình dạy học mĩ thuật của dự án SAEPS do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm học 2014 - 2015 dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, trong quy trình học tập này, âm nhạc và mĩ thuật được kết hợp với nhau để tạo cho HS sự thích thú, trí tưởng tượng, sáng tạo trong việc trang trí, vẽ lên sản phẩm…
Với môn Công nghệ, học sinh được tận mắt chứng kiến quy trình làm các sản phẩm đúc và thực hành kỹ năng tạo hình khối tròn xoay từ nặn các sản phẩm gốm sứ.
Không chỉ thế, qua trải nghiệm này, các bạn còn phân biệt được chất liệu dân ca vùng Bắc bộ, mang bản sắc riêng không lẫn với các vùng dân ca khác, dựa vào chất liệu chính là khung cảnh, con người, lối sống, các phong tục tập quán của 1 miền quê thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ (Xã Bát Tràng – Huyện Gia Lâm – Hà Nội).