Tôi là một đảng viên trẻ đã có tám năm làm việc tại các cơ quan báo chí - truyền thông và từng có thời gian sinh sống tại nước ngoài. Năm 2019, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, tôi phấn đấu trở thành quần chúng ưu tú, được cấp trên cử đi học cảm tình Đảng và được kết nạp Đảng vào ngày 3 tháng 2 năm 2020. Cũng trong thời gian này, công việc của người làm báo đã đưa tôi trở về mái trường xưa yêu dấu và bắt đầu tham gia vào dự án kỉ niệm 30 năm thành lập trường Nguyễn Siêu.
Mái trường Nguyễn Siêu là nơi khởi nguồn, khơi gợi những ước mơ non trẻ của tôi và cũng là nơi lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình nghĩa thầy trò của thời kỳ đất nước mới mở cửa hội nhập còn biết bao khó khăn, bỡ ngỡ nhưng thật giàu hoài bão, ước mơ. Ngôi trường to đẹp như một ngôi trường Tây, nằm cách biệt với phố xá ồn ào, giữa cánh đồng lộng gió, trong khi các Thầy cô còn thắt lưng buộc bụng lo cơm áo hằng ngày… Mỗi lần có dịp trở về trường trong vai trò cộng tác viên, tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa. Cho tới một ngày, không ngờ cuộc sống đã đưa tôi trở về với mái trường xưa, hằng ngày gặp lại thầy Vĩnh, cô Thịnh cùng bao thầy cô mà tôi trân quý. Thật ngạc nhiên, người mở ra cánh cửa này lại chính là cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy, người con của Thầy cô tận tụy vất vả ngày nào.
Về trường, tôi đảm nhận vị trí nhân viên truyền thông thuộc bộ phận Hỗ trợ và Phát triển chương trình nhà trường và là đảng viên của Chi bộ THCS và THPT Nguyễn Siêu.
Dưới lá cờ quang vinh của Đảng, tôi đã trở thành đồng chí của các thầy cô, những cán bộ đảng viên lão thành dạn dày kinh nghiệm, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh giữ nước, do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo... Buổi sinh hoạt chi bộ đầu tiên tôi được tham gia là sinh hoạt chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay”. Trong buổi sinh hoạt Đảng này, tôi thấy thầy cô của tôi đã thực sự đổi mới, tâm huyết, mang trên mình một khát vọng mới mẻ mà lớp trẻ chúng tôi cũng chưa từng được thấy. Từ những phương hướng, nhiệm vụ chính trị gắn liền với hoạt động thực tiễn dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm, đảm bảo tính nhất quán trong quan điểm giáo dục của nhà trường, liên hệ rất sát thực tiễn, theo quan điểm của Đảng. Đó là giáo dục cho học sinh Nguyễn Siêu “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa kế thừa truyền thống giáo dục của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa giáo dục của thời đại; có đạo đức, lý tưởng cách mạng, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, để dìu dắt, giúp học sinh Nguyễn Siêu hội nhập quốc tế.
Đã có lần trong một buổi tọa đàm, tôi nhận được câu hỏi từ một vị cha mẹ học sinh (CMHS) rằng: “Vì sao Nguyễn Siêu là trường tư mà vẫn có tổ chức Đảng?”. Có lẽ, theo mô hình kinh tế tự chủ, tổ chức Đảng sẽ trở thành khái niệm xa lạ với một số doanh nghiệp, với một số người. Tuy nhiên, Nguyễn Siêu là một ngôi trường được xây dựng bằng ý chí và khát khao của người lính công binh đã suốt đời chiến đấu hi sinh dưới ngọn cờ của Đảng: Đại tá, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh. Người thầy nhân hậu ấy đã từng nói với chúng tôi - những cô cậu học trò tuổi mười hai rằng: “Thầy muốn các con mặc một chiếc áo khoác mùa đông thật rộng, vì hôm nay các con còn bé, áo dài đến đầu gối là đủ ấm cho các con, nhưng vài năm nữa, khi các con lớn hơn, chiếc áo sẽ ngắn dần. Một chiếc áo mặc từ trung học đến khi ra trường, đó là chiếc áo tiết kiệm mà thầy học được qua những lời dạy của Bác”.
Năm ý kiến tham luận tại buổi sinh hoạt chuyên đề năm 2022 của Chi bộ Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu đã cho tôi những bài học mới về cách liên hệ và áp dụng nhuần nhuyễn quan điểm, đường lối của Đảng vào thực tiễn. Theo đó, trong mọi công tác, đặc biệt là công tác giáo dục, việc xây dựng đội ngũ giáo viên vừa có đạo đức vừa có chuyên môn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của Nhà trường. Mỗi giáo viên cần không ngừng học hỏi, đồng thời cũng cần có khả năng tư duy, phản biện nhưng quan trọng nhất, đó là khả năng lắng nghe và biết chọn lọc thông tin để bản thân không rơi vào tình trạng sai lầm, lạc hậu. Nhiệm vụ của người đảng viên trong môi trường giáo dục là vô cùng quan trọng vì đảm nhiệm nhiều vai: vừa phải đảm bảo chất lượng dạy học, nâng cao chuyên môn, đồng thời cũng cần cảnh giác và bình tĩnh nhận diện, đấu tranh với những quan điểm chủ quan, lệch lạc của đồng nghiệp. Giáo dục là quá trình vun đắp và bồi dưỡng con người. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Câu nói của Bác đã cho thấy tầm quan trọng, trách nhiệm của người giáo viên đối với học sinh. Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn phải là chỗ dựa tinh thần, khéo léo dỗ dành, cảm hóa học sinh để các con không chỉ năng động sáng tạo mà còn tránh được những lựa chọn sai lầm, hành động đáng tiếc xảy ra.
Buổi sinh hoạt chuyên đề đầu tiên ở cơ sở Đảng mới đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Thầy cô của tôi hôm nay không cầm phấn trắng hay giáo án đứng bên bục giảng nhưng với Tấm thẻ Đảng đặt trước mặt, thầy cô đã trở thành những người đồng chí đi trước, dạy tôi những bài học về tính gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm thực tiễn xương máu, tình đoàn kết gắn bó... Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường học những bài học đầu tiên do thầy cô đứng lớp, mái tóc của thầy cô chưa điểm bạc, gương mặt, dáng người của thầy cô còn khắc khổ gày gò, có người mới ra trường... Vậy mà giờ đây, thầy cô của tôi – những người đồng chí trong chi bộ đã trở thành Hiệu phó, khối trưởng chuyên môn, tổ trưởng bộ môn, giữ trọng trách quan trọng trong nhà trường. Dù tóc đã bạc, làn da đã có chấm đồi mồi nhưng niềm tin càng ánh lên trong đôi mắt thầy cô qua từng tham luận. Tôi càng hiểu hơn về lý tưởng mà thầy cô tôi đã và đang theo đuổi, vì một sự nghiệp giáo dục như khẩu hiệu của nhà sáng lập: “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội, thầy mẫu mực, trò chăm ngoan, học giỏi”. Tôi tự nhận thức về trách nhiệm của mình trong công việc truyền thông: cần tiếp nối và giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp của một nhà báo cách mạng để góp phần lan tỏa, phản ánh kịp thời, sinh động, hiệu quả thông tin của nhà trường tới CMHS, HS và đồng nghiệp. Không ngừng học tập và nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời khiêm tốn học hỏi, lắng nghe góp ý của đồng chí, đồng nghiệp. Quan trọng hơn hết, người làm truyền thông cần nhận thức rõ công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cả về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước lẫn phương pháp, kỹ năng, kỹ xảo… trong yêu cầu giáo dục của nhà trường.
Trường Nguyễn Siêu của chúng tôi là ngôi trường tự hào mang trong mình nhiều giá trị quý báu của dân tộc - điều cốt lõi tạo ra giá trị của mỗi người Nguyễn Siêu: Đó là khát vọng vươn lên để khẳng định mình vì lợi ích của bản thân và cộng đồng dân tộc, “Đạo học không lối tắt, nhà tranh lắm người tài”… Đâu đó trong từng lớp học, có thể thấp thoáng dáng dấp của những người lính, và khi nhìn kỹ, trong những thành tựu nổi bật của nền giáo dục hội nhập quốc tế 30 năm qua của Nguyễn Siêu vẫn thấy những phẩm chất can trường của những người lính năm nao.
Có những điều không bao giờ có thể thay đổi trong mỗi con người, đó là bản sắc quê hương, là truyền thống dân tộc và bản lĩnh của những nhà văn hóa tài danh… Những đặc trưng trên được kết tinh trong tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già giản dị, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta.
Từ những điều cốt lõi ấy, lớp lớp thế hệ học sinh Nguyễn Siêu đã tự tin bước khỏi cánh cổng trường vững vàng hội nhập quốc tế. Dù ở đâu trên khắp thế giới, mỗi học sinh sẽ nhớ về Nguyễn Siêu với một kỉ niệm riêng; còn với tôi, một người đã ra đi nay trở về trường đồng hành cùng các thầy cô góp phần đưa con tàu Nguyễn Siêu vượt trùng dương cập bến thành công tự thấy trách nhiệm thật nặng nề. Nhưng tôi tin rằng, phía trước mũi tàu sẽ luôn có lá cờ Tổ quốc, đại diện cho những điều quý báu của dân tộc Việt Nam, cho tinh thần bách chiến bách thắng Việt Nam, trong đó có đội ngũ lãnh đạo, quan điểm và đường lối của Đảng quang vinh, của Đảng bộ Nhà trường.
Bùi Thu Thủy