Bước vào các cuộc thi quốc tế, NS-ers thể hiện rõ sự sáng tạo và tư duy phản biện sắc bén, tạo nền tảng vững chắc để hướng tới nhiều sân chơi học thuật lớn hơn trong tương lai. Cùng nhìn lại bước tiến đầy triển vọng ấy thông qua các cuộc thi về Kinh tế, Kinh doanh và Môi trường mà các em đã tham gia trong năm học 2024 – 2025, đặc biệt là tháng 3/2025.
Olympic Kinh tế học Quốc tế - IEO (lĩnh vực Kinh tế học): 3 học sinh đạt giải Outstanding vòng Sơ loại, giành vé bước tiếp vào vòng Quốc gia
Được khởi xướng từ năm 2016, Olympic Kinh tế học Quốc tế (International Economics Olympiad - IEO) là một cuộc thi quốc tế uy tín dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn thế giới, tập trung vào các lĩnh vực Kinh tế và Tài chính. Cuộc thi nhận được sự hỗ trợ từ các Bộ Giáo dục, Ngân hàng Trung ương và các tổ chức học thuật uy tín trên toàn cầu. Trải qua vòng Sơ loại và vòng Quốc gia, top 5 thí sinh xuất sắc nhất từ mỗi quốc gia thành viên sẽ giành vé tham dự vòng Toàn cầu được tổ chức vào tháng 7/2025.
Vòng loại trực tuyến của cuộc thi được tổ chức vào tháng 3 vừa qua, thu hút sự quan tâm của NS-ers hệ Economics (Kinh tế). Trong đó, kỳ thi IEO năm nay hướng tới học sinh THPT.
Kết quả, 3 em Vũ Thanh Hảo Ngọc (11AS1), Phạm Thùy Chi (11AS0) và Đặng Vân Nga (9IG1E2) đã xuất sắc lọt top 65 thí sinh có điểm số cao nhất trong vòng loại toàn quốc, qua đó giành giải Outstanding. Đáng chú ý, Vân Nga là học sinh lớp 9, nhưng đã sở hữu kiến thức và kỹ năng để có thể cạnh tranh với các anh chị khối THPT trong kỳ thi này. Tháng 5 tới, các em sẽ tiếp tục đại diện Nguyễn Siêu tranh tài tại vòng Quốc gia (National Selection Round), để tìm kiếm suất tham dự vòng đấu Toàn cầu được tổ chức tại Baku, Azerbaijan.
ANU Business Case (lĩnh vực Kinh doanh):
Vừa qua, các học sinh khối 11 đã đại diện tham gia ANU Business Case Study 2024 - một sân chơi học thuật uy tín do Đại học Quốc gia Úc (Australian National University) tổ chức, quy tụ các đội thi xuất sắc từ nhiều quốc gia.
Trong vòng tuyển chọn, nhóm học sinh Nguyễn Siêu đã vào vai ban tổ chức sự kiện và xây dựng kế hoạch tổ chức một lễ hội văn hóa kéo dài hai ngày tại khuôn viên trường đại học, với mục tiêu quảng bá sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng sinh viên ANU. Các em đã phân tích bối cảnh, đề xuất chiến lược thu hút người tham dự, quảng bá sự kiện, đồng thời vận dụng các mô hình phân tích hiệu quả toàn diện để đánh giá hiệu quả hoạt động - một công cụ chuyên sâu trong kế toán quản trị hiện đại.
Qua quá trình làm việc, học sinh được rèn luyện kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm; hiểu sâu hơn về cách thức hoạch định sự kiện và đánh giá hiệu quả dựa trên chỉ số hiệu suất; vận dụng kiến thức kế toán, quản trị, và kinh tế vào tình huống thực tế; và trải nghiệm tinh thần khởi nghiệp và đổi mới trong môi trường học thuật quốc tế.
Các thầy cô sẽ tiếp tục đồng hành cùng các em trong các dự án và hoạt động phát triển năng lực chuyên môn, góp phần định hướng nghề nghiệp và tư duy toàn cầu hóa cho thế hệ tương lai.
The Earth Prize (lĩnh vực Môi trường):
Giải thưởng Trái đất (The Earth Prize) là giải thưởng toàn cầu về phát triển bền vững dành cho học sinh trung học, do Quỹ Trái đất sáng lập và trao tặng hàng năm. Ra mắt lần đầu vào tháng 9/2021 và chính thức trao giải vào tháng 3/2022, The Earth Prize khuyến khích các bạn trẻ trên toàn thế giới đưa ra những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết của hành tinh.
Trong hành trình tham gia The Earth Prize năm nay, học sinh Nguyễn Siêu đã lập thành hai đội và phát triển hai dự án giàu tiềm năng:
- Dự án 1: Tạo ra sản phẩm mới từ rác tái chế - hướng đến giảm thiểu ô nhiễm rác thải thông qua việc sáng tạo các vật dụng hữu ích, mang tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày.
- Dự án 2: Nghiên cứu mô hình chuyển hóa rác thải hữu cơ thành tài nguyên phục vụ sản xuất nông nghiệp - đề xuất một giải pháp sinh học giúp xử lý rác hữu cơ hiệu quả, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn và bền vững.
Thông qua quá trình nghiên cứu, hợp tác và phản biện, các con không chỉ học được cách giải quyết vấn đề theo tư duy hệ thống, mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm, trình bày học thuật, và tinh thần trách nhiệm với môi trường.
Với những nền tảng đã đạt được, mục tiêu tiếp theo của các con là tiếp tục hoàn thiện mô hình và có thêm những ý tưởng mới lan tỏa giá trị xanh đến cộng đồng trong và ngoài trường học.
Có thể thấy chiến lược "Compete to Learn" đang tạo dấu ấn tích cực trong cộng đồng học thuật Nguyễn Siêu, thể hiện qua thành tích quốc tế và các dự án chất lượng do NS-ers thực hiện. Bên cạnh nâng cao kiến thức, các cuộc thi còn là cơ hội giúp học sinh phát triển các các đặc điểm nhận thức bậc cao (ACPs) và rèn luyện các giá trị, thái độ, phẩm chất (VAAs) của High Performance Learning. Đây là nền tảng để các em chinh phục những thử thách lớn hơn trong tương lai.