Cambridge Outlook: Một câu chuyện từ Việt Nam

11:06 17/10/2016

Kết hợp chương trình song ngữ cho học sinh phổ thông - nội dung cuộc trao đổi  giữa Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Nguyễn Siêu (Bà Nguyễn Thị Minh Thúy) và Giám đốc chương trình Cambridge tại Việt Nam và Myanmar (Ông Melvyn Lim) vừa được đăng trên Tạp chí của Cambridge phát hành toàn thế giới.

Cambridge Outlook
Ảnh chụp trang tạp chí có câu chuyện của Trường Nguyễn Siêu trên Cambridge Outlook

 

Melvyn Lim (ML): Thưa bà, những chương trình nào của Cambridge đang được giảng dạy tại Trường Nguyễn Siêu?

Nguyễn Thị Minh Thúy (NTMT): Hiện tại, song song với Tiếng Anh Cambridge, toàn bộ chương trình phổ thông quốc tế do Cambridge  biên soạn đang được giảng dạy tại trường chúng tôi (Cambridge Primary dành cho tiểu học, Cambridge Secondary 1 dành cho trung học cơ sở, và Cambridge IGCSE dành cho trung học phổ thông). Trong vòng hai năm tới, những môn học của Cambridge International AS & A Level cũng sẽ dược giảng dạy cho học sinh dự bị đại học.


ML: Lý do trường quyết định trở thành trường Cambridge?

NTMT: Ngay từ năm 1990, khi vừa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi đã  định hướng đặt tiếng Anh làm trọng điểm trong hoạt động giảng dạy của trường.  Lúc đó Nguyễn Siêu  thuộc nhóm trường tư thục tiên phong của Hà Nội, và cũng là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên đặt tiếng Anh vào vị trí trọng tâm với mục tiêu tạo ra nhiều cơ hội cho học sinh du học ở nước ngoài. Trong thập kỷ vừa qua, các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Cambridge đã được  sử dụng trong các kỳ thi chính thức của trường, và đã góp phần đắc lực cho khâu quản lý chất lượng dạy và học của chúng tôi. Mới đây, Nguyễn Siêu đã được trung tâm khảo thí quốc tế Cambridge cấp phép trở thành một trường Cambridge. Trở thành trường song ngữ Anh – Việt là mục tiêu mà Nguyễn Siêu đang hướng tới.

 

ML: Nhà trường chuẩn bị như thế nào cho tương lai của học sinh?

NTMT: Chúng tôi duy trì, gìn giữ những nền tảng có tính truyền thống của quốc gia, đồng thời lồng ghép những nội dung tiên tiến của các chương trình quốc tếVì thế, những học sinh không có điều kiện tài chính để đi du học vẫn có cơ hội trở thành công dân toàn cầu.

 

ML: Các bạn đã kết hợp các chương trình trong nước và quốc tế như thế nào?

NTMT: Học sinh của chúng tôi học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai  theo chương trình Cambridge, và các kỳ thi tiếng Anh Cambridge được nhà trường tổ chức để đánh giá sự tiến bộ của học sinh.  Và chương trình của Cambridge được lồng ghép với chương trình quốc gia ở những môn Toán, Vật lí, Sinh, Hóa học và Quan điểm toàn cầu. Các môn Ngữ văn, Lịch sử Việt Nam, Địa lí Việt Nam, Nghệ thuật dân tộc vẫn được giảng dạy bằng tiếng Việt  để học sinh có thể vừa tiếp thụ kiến thức trong chương trình quốc tế vừa lĩnh hội đầy đủ những kiến tức nền tảng trong chương trình quốc gia của Việt Nam.


ML: Lợi ích của học sinh là gì?

NTMT: Học sinh của chúng tôi xác định được chính xác trình độ tiếng Anh của mình, và dựa vào kết quả đó để vạch ra phương hướng phù hợp cho việc học tập của bản thân. Bên cạnh đó, các con cũng được trang bị các kỹ năng để có thể theo học đại học, sau đại học ở nước ngoài.

 

ML: Mối quan hệ của nhà trường với đội ngũ Cambridge trong khu vực ra sao?

NTMT: Họ đã giúp chúng tôi kết nối với những trường học Cambridge khác ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới. Học sinh của Nguyễn Siêu được hưởng lợi từ  sự kết nối này. Chúng tôi rất cám ơn sự hỗ trợ tận tâm của đội ngũ Cambridge khu vực.

 

ML: Điều gì khiến bạn tự hào về Trường Nguyễn Siêu?

NTMT: Chúng tôi hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ vững truyền thống văn hóa của dân tộc. Truyền thống của Nguyễn Siêu là không ngừng nỗ lực để mở ra cho học sinh cơ hội trở thành những công dân toàn cầu. Tôi tự hào về truyền thống đó.
 

(Thanh Bình - dịch)