Bài 3: Theo dấu chân người lính công binh Quảng Bình - Quảng Trị

15:28 30/05/2014

Tin tức - Trong chuyến đi này, đoàn CBGV Trường Nguyễn Siêu may mắn được theo bước chân Đại tá - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh - người chiến sĩ khi xưa trên chiến trường Quảng Bình - Quảng Trị. Ông là nhân chứng sống cho một thời hoa lửa.

 
 
Quảng Bình yêu thương
 
Dưới bóng mát của cây rừng Trường Sơn

Chuyến đi của chúng tôi len lỏi giữa rừng Trường Sơn, “chao liệng” giữa màu xanh đại ngàn và sông suối của Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây. Chúng tôi ngắm nhìn những “khe cạn bướm bay lèn đá” và kịp đánh dấu Kilomet số 0 – nơi hợp theo đúng nghĩa đen với câu hát “Trường Sơn Đông nối Trường Sơn Tây” vậy. Nhìn lên đỉnh Trường Sơn, lại nhớ tới lời ca hào hùng và lãng mạn: “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca/ Gửi tới quê nhà bao la biển xanh sóng vỗ hiền hòa/ Đường Trường Sơn bát ngát có bao nhiêu ghềnh thác/ Hòa theo trong tiếng hát đem mùa xuân tới cho cuộc đời. Này Trường Sơn ơi!/ Ta đi trong gió. Ta đi trong mưa/ Từng ngày từng tháng là từng bài ca/ Thiết tha cùng ta vượt qua gian khổ.../ Ta băng qua suối! Ta băng qua khe/ Từng đồi từng núi là từng bài thơ/ Thắm tươi trang sử mới/ Dù bom rơi đất xới bước chân luôn thẳng tới/ Vì ta yêu lẽ sống! Yêu tự do! Yêu cuộc đời! (…)

Đâu phải ngẫu nhiên mà bài ca nào về Trường Sơn cũng đẹp đến thế, hay đến thế, hào hùng, lãng mạn và xúc động mãnh liệt đến thế - những bài ca mà bạn có thể trích ra bất cứ câu nào, bài nào cũng thấy tuyệt vời.

Chuyến đi có phần ý nghĩa “nghỉ mát” đã trở thành “nghỉ nóng” trong cái nắng miền Trung “chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình”, nhưng bước chân chúng tôi luôn thẳng tới, và chúng tôi tự hào, chúng tôi thấm thía sức mạnh của lẽ sống, tự do, hòa bình mà các anh đã yêu thiết tha.
 
Trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa phận Quảng Bình trước khi tiến vào Quảng Trị, cả đoàn đã được thăm viếng, dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại. Đây chính là nơi mà chiến sĩ công binh Nguyễn Trọng Vĩnh năm xưa đã có 3 năm trần lưng dưới bom đạn, cùng đồng đội kiên cường chiến đấu. 
 
Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh và các thầy cô dưới chân Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại
 
Phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15, địa điểm quan trọng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, nhân lực vượt sông vào Miền Nam chiến đấu. Nơi đây, máy bay Mỹ đã thả quả bom đầu tiên để đánh phá miền Bắc, là điểm giao thông huyết mạch trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bến phà Long Đại trở thành một trong những tọa độ lửa là trọng điểm ném bom, phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ trong những năm 1965 đến 1972.

Nơi đây hằn sâu trong ký ức những người lính Trường Sơn như Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh về sự hi sinh của hai tập thể lực lượng thanh niên xung phong. Ngày 16/6/1972, tại bến phà Long Đại, 15 thanh niên xung phong quê Nghệ An đang tập hợp, chào cờ trước lúc ra trận địa làm đường thông xe, bất ngờ một trận bom của không quân Mỹ dội xuống làm cả 15 thanh niên xung phong (tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi) hy sinh. Sau đó, thay họ làm nhiệm vụ này là lực lượng thanh niên xung phong quê Thái Bình, nhưng sau ba tháng, một loạt bom khác cũng đã cướp đi mạng sống của 15 chàng trai, cô gái C130 thanh niên xung phong khi đang tiếp sức cho phà Long Đại.

Để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh anh dũng tại bến phà. Tháng 7 năm 2013, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành sau 2 năm thi công. Đền nằm trên ngọn đồi cao, với diện tích hơn 1.600m2, trước đền có dòng sông Long Đại chảy qua. Đây không chỉ là công trình tri ân các anh hùng liệt sỹ trên đường Trường Sơn mà còn là "địa chỉ đỏ" trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn.
 
 
Đất lửa Quảng Trị - theo dấu chân người lính Công Binh
 
Thành kính trước hương hồn của các chiến sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị anh hùng
 
Đến đất Gio Linh - Quảng Trị, Đoàn chúng tôi đã có những giây phút xúc động và thành kính trước tấm gương hy sinh của các anh hùng Trường Sơn tại Nghĩa trang Trường Sơn với hơn 10.200 ngôi mộ của bao chiến sĩ đến từ khắp mọi ngả của đất nước Việt Nam. Thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh, cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy thay mặt đoàn thỉnh 3 hồi 9 tiếng trên chiếc chuông có dòng đề từ của GS.AHLĐ Vũ Khiêu: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”. Cô Thúy thay mặt nhà trường thưa: “Trường THPT Nguyễn Siêu – Hà Nội kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Độc lập – Tự do – Hòa bình cho dân tộc tại tuyến đường Trường Sơn trên mảnh đất Quảng Trị khói lửa bom đạn một thời!”
 
Về thăm chiến trường xưa, Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh viết: “Là nhà giáo và chiến sĩ tham gia chiến dịch 1972 Quảng Trị, hôm nay, cùng các thầy cô giáo thay mặt cho 200 cán bộ giáo viên – nhân viên – cha mẹ học sinh Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị. Chúng tôi, những người còn lại cùng các thế hệ người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng nguyện noi gương và tiếp nối các anh giữ gìn và xây dựng non sông đất nước Việt Nam giàu đẹp, xứng danh với các cường quốc năm châu bốn biển như lời Bác Hồ dạy”.
 
 
Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh bên bức tường tạc hình ảnh 2 Trung đoàn của ông: Trung đoàn 249, 229 Công binh
 
Ông đã viết những dòng này trong Thành cổ Quảng Trị - “cối xay thịt người” một thời – nơi cách đây hơn 40 năm là bình địa lẫn đất đá với xương máu những người giải phóng quân, nơi có dòng sông Thạch Hãn mà cựu chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam Lê Bá Dương trong lần quay lại Thành cổ Quảng Trị kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đồng đội, đã bật lên từ đáy lòng: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”

Các thầy cô giáo của Trường Nguyễn Siêu, già có, trẻ có, ai nấy đều xúc động vì đã có một chuyến trải nghiệm không gì so sánh được – về miền đất gian khó, khổ đau nhưng kiên dũng và tuyệt đẹp – và đẹp hơn cả là tấm lòng – là tình yêu của những tuổi thanh xuân đã ở lại mãi mãi với đất này.
 
(Còn nữa)
 
Nhuệ Anh